Với mục tiêu cơ bản hoàn thành nâng cấp mở rộng vào cuối năm 2015, đòi hỏi các nhà thầu, nhà đầu tư chạy đua với thời gian đẩy nhanh việc thi công ngoài hiện trường.
| ||
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh |
Ông Phạm Hồng Sơn, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn về những chuyển động tích cực tại các gói thầu trên tuyến giao thông trọng yếu này.
Sau chuyến khảo sát thực tế dọc tuyến Tây Nguyên, ông đánh giá như thế nào về chuyển biến mới của Dự án?
Mới đây, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh. Theo đó, Quốc hội đồng ý điều chỉnh tổng chiều dài toàn tuyến là 3.183 km, mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô 2 - 6 làn xe.
Về nguồn vốn đầu tư, vốn trái phiếu chính phủ sẽ được tập trung cho các dự án thành phần cấp thiết do Quốc hội quyết định. Đối với đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, Quốc hội nhất trí dùng vốn trái phiếu chính phủ để đầu tư, với mục tiêu cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2016.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bao gồm 6 dự án BOT và 16 gói trái phiếu chính phủ. Theo đó, tổng mức đầu tư từ trái phiếu chính phủ khoảng 10.000 tỷ đồng và 5.800 tỷ đồng cho các dự án BOT. Chúng tôi mới có chuyến đi kiểm tra thực tế công trường trên toàn tuyến. Hiện tại, ở 16 gói thầu dùng vốn trái phiếu chính phủ (với 20 nhà thầu), công tác chuẩn bị thi công rất khẩn trương và đã đồng loạt ra quân tại hiện trường.
Các nhà thầu đã thiết lập văn phòng ban điều hành các dự án, cùng việc tập kết phương tiện, nhân lực và đã bắt đầu thi công chạy đua với mùa khô Tây Nguyên. Nhiều gói thầu đang triển khai thi công tích cực, như Gói số 1 (tỉnh Đắk Nông) do Công ty Băng Dương thi công; Gói số 6 (tỉnh Đắk Lắk) do Công ty Hoàng Nam thi công; Gói số 5 (tỉnh Đắk Lắk) do Công ty 145 thi công…
Với những dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT thì sao?
Theo báo cáo, đã có 3 dự án trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đang thi công. Tại Dự án BOT do liên danh Toàn Mỹ 14 - Băng Dương dài 30 km trên địa bàn 2 huyện Cư Jut và Đắk Min (Đắk Nông), đơn vị thi công đã bóc lớp đất phủ hai bên đường và tiến hành lu đất nền đường. Còn tại Dự án BOT TP. Pleiku - Cầu 110, Công ty Đức Long Gia Lai đã ra quân thi công 2 gói.
Với dự án 3 BOT thuộc đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Bình Phước, đã chuyển 2 dự án sang dùng trái phiếu chính phủ. Trong đó, dự án từ Cây Chanh đến Cầu 38, dài 34 km cố gắng đầu tháng 12 hoàn thành việc điều chỉnh để làm cơ sở thực hiện thiết kế kỹ thuật cho dự án triển khai.
Còn dự án từ Chơn Thành tới Đồng Xoài dài 31 km cũng đang được điều chỉnh. Dự án BOT còn lại do Công ty Đức Thành đầu tư đã thi công được trên 50% khối lượng và đang chậm tiến độ, do thiếu vốn, cũng như phải làm thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh quy mô dự án. Công ty Đức Thành đang đề nghị chuyển dự án về Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Nếu được tiếp nhận, chúng tôi sẽ tháo gỡ vướng mắc, để ngân hàng có cơ sở tài trợ vốn cho nhà đầu tư.
Để đảm bảo tiến độ, Ban quản lý dự án cần quan tâm tháo gỡ trở ngại nào?
Khó khăn lớn nhất là mặt bằng và thời tiết. Trước mắt, khu vực Tây Nguyên đang vào mua khô, nên việc thi công diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, với yêu cầu tiến độ 2 năm cho dự án, thời gian 2 mùa mưa cũng ngốn hết 12 tháng, nên việc đưa ra các phương án thi công trong mùa mưa sẽ là thách thức lớn cho các nhà thầu.
Do công tác giải phóng mặt bằng quyết định đến tiến độ, cũng như chất lượng dự án, nên ngay từ tháng 6/2013, Ban quản lý đã chủ động vào cuộc phối hợp với các địa phương. Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác hiện trường để hỗ trợ địa phương tháo gỡ khúc mắc trong giải phóng mặt bằng. Ban quản lý đã cung cấp cho địa phương hồ sơ dự án đầu tư, cắm mốc lộ giới và bàn giao cho các địa phương làm cơ sở thực hiện giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế rà soát đảm bảo giảm thiểu sai lệch giữa dự án đầu tư với thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Hiện công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khá thuận lợi, đã đạt khoảng 60% (71 km/120 km) và các nhà thầu bước đầu đã có mặt bằng để thi công.
Về vốn, kể cả dự án vốn BOT và vốn trái phiếu chính phủ, trước khi triển khai, nhiều ngân hàng đã cam kết cho vay. Tới nay, việc bố trí vốn cho các gói sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đã cơ bản được giải quyết. Các dự án BOT đang được các nhà đầu tư rốt ráo giải quyết thủ tục. Mục tiêu là trong tháng 12/2013, các nhà đầu tư hoàn tất các thiết kế kỹ thuật được duyệt, căn cứ vào đó để triển khai thi công, làm cơ sở để ngân hàng cấp vốn. Hiện tại, hợp đồng tín dụng cho các gói BOT cơ bản đã hoàn tất, vấn đề quan trọng là thủ tục giải ngân.
Là dự án trọng yếu, việc đảm bảo chất lượng sẽ được các bên tham gia quan tâm, thưa ông?
Để kiểm soát chất lượng dự án, chúng tôi đã lựa chọn nhà tư vấn giám sát Cu Ba. Đây là đối tác có năng lực và giàu kinh nghiệm, có thế mạnh về bê tông nhựa đã được kiểm chứng trong thực tế khi tham gia Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn I.
Ban quản lý dự án yêu cầu phía tư vấn giám sát Cu Ba tăng cường số lượng chuyên gia Cu Ba từ 30% trước đây lên tối thiểu 50%. Chúng tôi cũng yêu cầu họ triển khai các văn phòng trên hiện trường đồng bộ với nhà thầu. Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ để tạm ứng vốn cho phía tư vấn giám sát, để họ có kinh phí hoạt động và trang bị máy móc, thiết bị phương tiện làm việc tốt hơn.
Kiểm soát được hoạt động của tư vấn giám sát, kiểm soát được hoạt động của nhà thầu, chắc chắn công tác kiểm soát chất lượng sẽ đạt yêu cầu.
Trần Tuấn