Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, tiêu thụ của các doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt với đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan.
Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO, Việt Nam đã bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ ngày 1/1/2020.
Số liệu thống kê cho thấy, kết thúc vụ 2019/20, đường Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam đạt hơn 862.000 tấn, gấp 3,3 lần so với niên vụ 2018/19 và cao hơn 12,1% so với sản lượng đường mía sản xuất trong nước.
Trong đó, gần 77% sản lượng đường này được xuất sang Việt Nam trong giai đoạn 6 tháng sau ATIGA (01/01– 30/06/2020).
Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu đường lớn thứ 02 của Thái Lan trong nửa đầu 2020, chiếm 16% tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nước này (xếp sau thị trường Indonesia với 42%). Trước đó, thị trường Việt Nam không phải là thị trường xuất khẩu được chú trọng của ngành đường Thái Lan.
Nhiều năm nay, đường Thái Lan là đối thủ chính của ngành đường Việt Nam, đồng thời là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản xuất đường và 2 thế giới về xuất khẩu. Mỗi năm, sản lượng đường lậu giá rẻ từ Thái Lan về Việt Nam ước tính chiếm hơn 30% nhu cầu sử dụng đường trong nước, tác động tiêu cực tới giá đường nội địa
Sản lượng đường sản xuất trong nước và đường Thái Lan xuất sang Việt Nam từ niên vụ 2012/13-2019/20. |
Từ niên vụ 2019/20, ngành đường Việt Nam gặp phải cạnh tranh gay gắt với đường Thái giá rẻ nhập khẩu chính ngạch về Việt Nam, bên cạnh đường lậu nhập khẩu từ nước này.
Theo VSSA, gần 1/3 số nhà máy đường tại Việt Nam đã phải đóng cửa trong niên vụ 2019/20. Sản lượng lũy kế niên vụ 2019/2020 đạt 7,39 triệu tấn mía, giảm 39,4% và luyện được 769.169 tấn đường mía các loại, giảm 34,3%, mức thấp nhất trong 19 năm trở lại đây do diễn biến thời tiết không thuận lợi và áp lực cạnh tranh với đường và chất tạo ngọt nhập khẩu.
Giá đường trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá đường Thái Lan nhập khẩu. Sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, các doanh nghiệp mía đường nội địa phải cạnh tranh với đường Thái Lan chủ yếu tại phân khúc khách hàng tiêu dùng – bán lẻ (kênh B2C) và doanh nghiệp chế biến thực phẩm – đồ uống vừa và nhỏ (kênh SME) do đường nhập khẩu từ Thái Lan chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm – đồ uống quy mô lớn (kênh MNC: Pepsi, CocaCola…).
Ngoài ra, các sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ ngô (HFCS, còn gọi là đường hóa học) có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Trung Quốc với thuế suất 0% và không hạn ngạch liên tục tràn về Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh cho ngành đường trong nước. Loại đường này có giá bán thấp hơn từ 10 – 15% so với đường mía, độ ngọt cao hơn 1 ,2 – 1,5 lần đường mía.
Thống kê của Tổng cục Hải Quan, sản lượng đường lỏng nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2019 đạt hơn 190.000 tấn, tăng trưởng +26,7% so với 2018 và tăng 31,7% so với năm 2017
Theo ước tính của FPTS, giá thành sản xuất đường trắng tại Thái Lan đạt mức trung bình 8.400 đồng/kg do giá mua mía nguyên liệu tại nước này được trợ giá bởi Chính phủ Thái Lan và ấn định ở mức trung bình 630.000 – 650.000 đồng/tấn.
Giá xuất khẩu FOB đường trắng của Thái Lan trong niên vụ 2019/20 đang ở mức trung bình 11 baht/kg (~8.1 00 đồng/kg - theo USDA).
Hiện tại giá xuất khẩu của Thái Lan đang thấp ngang với mức giá thành sản xuất, nhằm mục đích cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu thế giới. Đây là lý do chính khiến ngành mía đường trong nước khó lòng cạnh tranh nổi với đường Thái Lan, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa.