Doanh nghiệp
Đường xuất khẩu chậm vì bị Trung Quốc ép giá
Hà Tâm - 10/07/2013 18:52
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường, Tổng giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa cho biết, lượng đường xuất khẩu mới đạt 50% con số mà Bộ Công thương cho phép, trong khi thời hạn xuất khẩu sắp hết (cuối tháng 7). Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Công thương gia hạn thời gian xuất khẩu đến hết tháng 12/2013.
TIN LIÊN QUAN
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam” do Bộ Công thương tổ chức hôm nay (10/7), ông Đỗ Thành Liêm cho biết, hiện tồn kho đường cả nước lên tới trên 500 tấn, không chỉ đường RS mà còn cả đường tinh luyện RE.

Từ tháng 3/2013, Bộ Công thương đã cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường song đến nay, lượng đường xuất khẩu chưa đạt được một nửa con số nêu trên.

Theo giải thích của Hiệp hội mía đường, nguyên nhân là Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu đường và đang bị các thương nhân Trung Quốc ép giá.

Cụ thể, giai đoạn trước Tết Nguyên đán là mùa ăn đường của Trung Quốc, thời điểm đó giá đường rất cao, Hiệp hội đã đề xuất Bộ Công thương xuất khẩu nhưng không được phép. Mãi đến tận tháng 3/2013 Bộ Công thương mới cấp giấy phép, khi đó đã qua mùa ăn đường của Trung Quốc. Hơn nữa, khi có giấy phép, các thương nhân trong nước ồ ạt tập kết hàng ở cửa khẩu nên bị Trung Quốc ép giá xuất khẩu.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất đường, ông Liêm đề nghị, Bộ Công thương giãn thời gian nhập khẩu 75.000 tấn đường trong hạn ngạch đến tháng 9. Đồng thời, gia hạn thời gian xuất khẩu đường RE và gia hạn thời gian cho phép xuất khẩu đường RS đến tấn cuối năm.

Trong lúc đường trong nước ế ẩm không bán được thì đường nhập lậu từ Thái Lan đang ồ ạt tuồn vào. Sở dĩ giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan vì Thái Lan có chính sách xuất khẩu đường giá rẻ sau khi đã đáp ứng đủ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đủ lượng đường giá cao. Chưa kể, giá nguyên liệu mía của Thái Lan chỉ hơn 30 USD/tấn trong khi các DN mía đường nước ta mua của nông dân là 50 USD/tấn (do chi phí sản xuất mía Việt Nam cao hơn Thái Lan).

Điều đáng nói là kẽ hở chính sách hiện nay khiến đường lậu dễ dàng được hợp thức hóa. Cụ thể, theo quy định hiện nay, chính quyền các địa phương được quyền cấp phép thành lập các cơ sở kinh doanh, sản xuất, sang chiết đường. Các cơ sở này được quyền sản xuất bao bì, in tem nhãn, sang chiết ra túi nhỏ để bán lẻ. Lợi dụng quy định này, các đầu nậu đã vận chuyển đường lậu trong các túi trắng, sau đó bắn nhãn mác của các cơ sở nhỏ lẻ lên bao bì, chuyển về kho để sang chiết sang các túi nhỏ.

Với thủ đoạn này, lực lượng chức năng rất khó khăn trong xử phạt vì phải thực hiện nhiều biện pháp như giám định hóa lý, thành phần, cảm quan… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng. Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng cũng chỉ có thể thu hồi chứ không thể bắt giữ do không đủ yếu tố hình sự. Đây là nguyên nhân khiến giới buôn lậu đường ngày càng lộng hành.

Ông Đỗ Thành Liêm bức xúc đề nghị: “Hiện nay, nhiều cấp phép cho các DN ở địa phương được kinh doanh, sản xuất đường, được phép in bao bì, đóng gói đường. Tuy nhiên, các DN này đã nhập lậu đường về, pha trộn, đóng gói để bán lẻ. Đáng nói là các DN này pha trộn rất thô sơ, không đảm bảo vệ sinh như: trộn bằng tay, thậm chí đổ vào máy như máy trộn bê tông để trộn, hoặc đổ ra nền xi măng, lấy xẻng để trộn…Hy vọng các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra các DN này để xem họ hoạt động có đúng như giấy phép hay không, để giảm thiểu sự lộng hành của giới buôn lậu. Hiện nay, những người buôn lậu đường rất coi thường pháp luật”, ông Liêm nói.

Tin liên quan
Tin khác