Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1/2016. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016 diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã công bố các con số đáng mừng về thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Về giá cả thị trường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2016 không tăng so với tháng 12/2015 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2016 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2016 ước tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 11%. Số liệu này khá trùng khớp với báo cáo của Bộ Công thương, khi Bộ này cho biết, sức mua tháng trước Tết đã tăng rõ rệt, ước tăng khoảng 15% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 8-10% so với năm trước.
Báo cáo của người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Chính phủ cũng nêu rõ, thu hút vốn nước ngoài ngay trong tháng 1/2016 tăng cao so với cùng kỳ, đạt kết quả khá ấn tượng. Cụ thể, số dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới và số lượt dự án tăng thêm vốn đều tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI thực hiện ước đạt 800 triệu USD, tăng 23,1%; vốn đăng ký ước đạt trên 1,33 tỷ USD, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước; vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 130 triệu USD, tăng khoảng 10%.
Cũng trong tháng 1/2016, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14 tỷ USD, giảm 0,8%; nhập siêu khoảng 200 triệu USD, bằng 1,4% kim ngạch xuất khẩu. Về sản xuất công nghiệp, Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2016 tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 8,2%.
Để có được những kết quả trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trong tháng 1, các bộ, ngành địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, nhóm vấn đề được các thành viên Chính phủ đánh giá cần theo dõi là giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, sự phục hồi chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới. “Trong điều kiện đất nước ta đã hội nhập sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, thì tất cả những khó khăn, diễn biến tình hình như trên đều tức thì tác động đến nền kinh tế. Vì vậy, phải hết sức lưu ý, theo dõi chặt chẽ để quan tâm chỉ đạo, chủ động có những phản ứng chính sách, xử lý kịp thời”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu, cần hết sức quan tâm kiểm soát tốt lạm phát, giá cả; không ngừng củng cố và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đi liền với mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, phải kiểm soát chặt chẽ nhập siêu, giữ mức nhập siêu theo như chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Ngoài ra, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.
Điều đặc biệt là, phiên họp thường kỳ Chính phủ lần này diễn ra ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XII, với kết quả là nhiều tư lệnh ngành đã được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, cũng như những thành viên Chính phủ khác không tái cử. Nhưng với những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, 14 thành viên Chính phủ không tái cử đợt này phải tiếp tục tập trung với nỗ lực cao nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành công việc mà mình đang đảm trách cho đến giờ phút có người kế nhiệm để bàn giao.