Người dân tập trung đông tại phố mua sắm ở Cologne (Đức). Ảnh: AP |
Với tình hình chiến sự tại Ukraine cùng dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và giá năng lượng tăng, ECB vẫn muốn chờ đợi trước khi ra quyết định.
Với tăng trưởng tại các quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) nhiều khả năng vẫn yếu trong quý đầu tiên, khu vực này đang phải đối mặt với lạm phát đình trệ - cơn ác mộng kết hợp giữa lạm phát cao và đình trệ kinh tế.
Kênh CNN (Mỹ) dẫn thông báo của ECB ngày 14/4 cho biết sẽ chỉ nâng lãi suất cho vay sau khi giảm mua trái phiếu chính phủ. ECB cho hay điều này nên diễn ra vào quý 3. Trong khi đó, Mỹ và Anh đều đã nâng lãi suất trong những tuần gần đây khi lạm phát toàn cầu tăng.
Cùng ngày 14/4, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói rằng có thể sẽ không nâng lãi suất trong nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng tới sau khi chương trình mua trái phiếu kết thúc.
Nhà phân tích Sophie Lund-Yates tại công ty Hargreaves Lansdown (Anh) nhận định nhiều khả năng vẫn có tăng lãi suất tại châu Âu nhưng sẽ linh hoạt hơn dự kiến. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Đức Christian Sewing trong tháng 4 nhận định rằng nâng lãi suất là “cần thiết khẩn cấp” bởi lạm phát cao là “độc tố với ổn định” kinh tế Đức.
Lạm phát tại khu vực Eurozone đạt 7,5% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ khi Liên minh châu Âu khởi động thu thập dữ liệu từ cách đây 25 năm. Lạm phát tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã lên mức 7,3%, cao nhất trong 41 năm.
Giá năng lượng tăng vọt cùng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đã tác động đến các nhà sản xuất và người tiêu dùng châu Âu. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine còn khiến tình hình tồi tệ hơn khi đẩy giá khí đốt và giá dầu lên mức cao khiến châu Âu phải “đau đầu” tìm cách thay thế nguồn cung của Nga.