Người dân xếp hàng dài rút tiền trước cây ATM bên ngoài chi nhánh ngân hàng Piraeus Bank SA ở Thessaloniki, Hy Lạp. Ảnh: Internet |
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 28/6 đã có một sự nhượng bộ nhẹ khi quyết định hỗ trợ tài chính các ngân hàng của Hy Lạp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc kịch bản vỡ nợ của Hy Lạp được loại trừ và quốc gia Nam Âu này cũng đã sẵn sàng để đối mặt với tình huống khẩn cấp khi dự định sẽ thông qua những biện pháp giúp kiểm soát dòng vốn và hạn chế lượng tiền chảy ra khỏi đất nước.
Sau cuộc họp khẩn Hội đồng các thống đốc, ECB hôm 28/6 ra thông cáo cho biết, dựa trên đánh giá tình hình hiện nay, thể chế tài chính này quyết định giữ nguyên mức trần hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.
Với quyết định này, các thống đốc ngân hàng trung ương đã xóa tan những thông tin đồn đoán trước đó cho rằng, ngay từ ngày 28/6, ECB sẽ chấm dứt chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA), nguồn tài chính duy nhất của các ngân hàng Hy Lạp, cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước sau thất bại của cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế. Hiện mức cho vay tối đa mà chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp dành cho Hy Lạp là 90 tỷ euro.
ECB đồng thời cảnh báo, sẵn sàng xem xét lại quyết định bất cứ lúc nào và chỉ chấp nhận duy trì chương trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp nếu nhận được cam kết từ phía Hy Lạp, ngay từ đầu tuần sẽ triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát các dòng vốn.
Trong cuộc họp tối cùng ngày ở Thủ đô Athens, Hội đồng ổn định hệ thống Hy Lạp đã ra quyết định theo hướng này và tạm thời đóng cửa các ngân hàng trong vài ngày tới nhằm tránh nguy cơ một cuộc tháo chạy tiền gửi, gây tổn hại nặng nề tới nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tất cả những điều này vẫn chưa đủ để ngăn chặn tâm lý hoảng loạn đang bao trùm Hy Lạp, trong bối cảnh suốt một tuần qua, hàng dài người xếp hàng trước các máy rút tiền tự động và người Hy Lạp không khỏi băn khăn về tương lai của nước này trong khu vực đồng euro.
Chính phủ nhiều nước châu Âu khác, trong đó có Đức đã khuyến cáo khách du lịch tới Hy Lạp luôn sẵn sàng tiền mặt. “Tôi vừa nhận được điện của một người bạn khuyên tôi nên tới ngân hàng ngay hôm nay bởi các ngân hàng có thể sẽ phải đóng cửa trong 1 tuần, bắt đầu từ ngày mai. Vì thế, tôi đã tới các ngân hàng với hi vọng có thể rút được nhiều tiền hơn. Vì tôi sẽ ở đây 1 tháng nên tôi muốn chắc chắn rằng mình luôn có tiền trong người”, một khách du lịch người Anh cho biết.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yanis Stournaras đã khẳng định, thể chế tài chính này sẽ triển khai mọi biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính của công dân Hy Lạp trong những tình huống khó khăn. Còn đối với các ngân hàng trung ương tại Liên minh châu Âu, điều khẩn cấp là phải sẵn sàng đối mặt với nguy cơ sụp đổ của hệ thống ngân hàng Hy Lạp và sự lây lan của nó đối với phần còn lại của châu Âu.
Thông báo tối 26/6 của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đưa dự thảo thỏa thuận mà các chủ nợ đề xuất ra trưng cầu ý dân đã gây bất ngờ cả đối với các chủ nợ quốc tế, các đối tác trong Liên minh châu Âu và cả người dân nước này.
Quốc hội Hy Lạp tối 27/6 cũng đã bỏ phiếu ủng hộ việc tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 5/7 tới, càng làm nguy cơ Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro trở nên hiện hữu. Theo Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos, người dân Hy lạp có đủ lý trí để đưa ra một quyết định đúng đắn.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, người dân Hy Lạp hiểu rõ tình hình hiện nay và tôi tin rằng, cuộc trưng cầu ý dân vào tuần tới sẽ một lần nữa chứng minh, càng trong khủng hoảng người ta càng trưởng thành và quyết tâm hơn”, Tổng thống Prokopis Pavlopoulos nói.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde cho rằng, về mặt pháp lý, cuộc trưng cầu ý dân này là về những đề xuất và những biện pháp đã không còn giá trị. Chính vì thế, theo một số nhà phân tích, cùng với tuyên bố này, những phát biểu mang tính nước đôi của các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã dự báo trước, tình trạng bế tắc hiện nay sẽ được khơi thông từ nay đến ngày 30/6, thời hạn chót của chương trình cứu trợ hiện nay và cũng là thời hạn mà Hy Lạp phải thanh toán các khoản nợ cho Quỹ tiền tệ quốc tế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Đức, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu cần phải hành động. Ông Yanis Varoufakis hy vọng Thủ tướng Đức Angela Merkel, với tư cách là người đứng đầu đất nước quan trọng nhất khối đang giữ trong tay chìa khóa sẽ sử dụng nó. Ông này đồng thời nhấn mạnh, chính phủ Hy Lạp sẵn sàng đón nhận những đề xuất mới của các thể chế.