Đầu tư Phát triển bền vững
ESG - Giấy thông hành phát triển bền vững của doanh nghiệp
Như Loan - 10/05/2024 14:00
ESG đang trở thành yếu tố tiên quyết của nhà đầu tư khi ra quyết định rót vốn vào bất kỳ dự án hay doanh nghiệp nào.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) vừa công bố sáng kiến ESG năm 2024. Đây là năm thứ 2 sáng kiến này được phát động với mong muốn giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đón đầu các cơ hội mới, trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những tiêu chuẩn trong bộ khung ESG hướng đến sự phát triển bền vững

Yêu cầu chuyển đổi tất yếu

Chia sẻ về những lợi ích của việc tuân thủ ESG, bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, MPI, cho rằng việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững cũng như thực hành ESG, không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam đơn thuần là tuân thủ quy định pháp lý về môi trường, xã hội và quản trị mà còn đáp ứng các tiêu chí về thị trường, đối tác và nhà đầu tư. Thêm nữa, việc áp dụng ESG còn giúp cho doanh nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư xanh - đang là xu hướng trên thế giới.

Ngoài ra, cũng theo bà Hương, ESG còn giúp doanh nghiệp nâng cao hình ảnh, vị thế, thương hiệu trên thị trường. Theo đó, đây còn là cơ hội giúp doanh nghiệp biến trách nhiệm tuân thủ trở thành những giá trị mới, tạo nên lợi thế cho doanh nghiệp và đóng góp vào việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

ESG giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn xanh

Ở góc nhìn từ đơn vị tư vấn, bà Hà Đỗ, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững, của KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết việc đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về ESG đang trở thành yếu tố tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo đó, trong khoảng 2 năm trở lại đây, KPMG nhận được yêu cầu kiểm tra nhà cung cấp về nguồn cung ứng có trách nhiệm, đảm bảo an toàn lao động, không sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng giới, từ nhiều công ty đa quốc gia. Trường hợp, nhà cung cấp Việt Nam nào không đáp ứng được những yêu cầu vừa nêu, đặc biệt việc thực hành các nguyên tắc về quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh, sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.

Một trong những khuyến nghị về việc bảo vệ quyền trẻ em trong hoạt động kinh doanh được UNICEF đưa ra tại Báo cáo “Các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh”.

Những đơn vị cung ứng nào nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn về lao động, bình đẳng giới hay là những thực hành tốt về quyền trẻ em sẽ bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng

Những chia sẻ của bà Hà cũng từng được UNICEF nhắc đến trong các báo cáo của mình về quyền trẻ em trong kinh doanh. Trong đó, báo cáo của UNICEF chỉ ra một thực trạng rằng các công ty được đầu tư còn thiếu nhận thức về những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em và còn chưa công khai những những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quyền trẻ em bên cạnh các vấn đề về lao động trẻ em.

Ngoài ra, báo cáo của UNICEF cũng cho thấy tình trạng thiếu các tiêu chuẩn báo cáo về những rủi ro liên quan đến quyền trẻ em trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hệ quả của việc này là các nhà đầu tư hoặc các công ty đa quốc gia cũng chưa coi trọng hoặc chưa chú ý một cách đúng mức đến những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quyền trẻ em bên cạnh vấn đề sử dụng lao động chưa thành niên trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chuẩn mực mới về phát triển bền vững

Nhằm hạn chế những rủi ro liên quan đến việc chưa tuân thủ các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh cũng như hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh phát triển bền vững và đón đầu các cơ hội hút dòng vốn xanh từ thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban quyết định 167/2022 về việc phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, đáng chú ý, doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững sẽ được hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn cơ chế để triển khai chương trình, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để bắt nhịp theo sự phát triển của thế giới

Gần đây nhất là Quyết định số 843/2023 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2027.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm, phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực của các hoạt động phát triển kinh tế, kinh doanh đối với xã hội, môi trường (tập trung vào các lĩnh vực đầu tư, lao động, môi trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người tiêu dùng và các nhóm dễ bị tổn thương), qua đó  thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Với mong muốn hiện thực hoá Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng USAID cho ra mắt chương trình “Sáng kiến ESG Việt Nam”.

Sáng kiến ESG Việt Nam 2024 với chủ đề “Đón đầu cơ hội xanh” nhằm tìm ra 3 doanh nghiệp có sáng kiến xuất sắc nhất để nhận gói hỗ trợ kĩ thuật với tổng giá trị lên tới 2 tỷ đồng. Chương trình hướng tới việc thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG để đo lường các yếu tố liên quan tới phát triển bền vững cũng như những tác động từ hoạt động của doanh nghiệp tới cộng đồng.

Cùng với mục tiêu này, UNICEF và VCCI đã phối hợp triển khai Dự án các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh (CRBP) nhằm tăng cường sự hiểu biết, năng lực và cam kết của doanh nghiệp liên quan đến nội dung này trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giầy, ICT và du lịch lữ hành.

Không dừng lại ở đó, UNICEF còn có nhiều báo cáo khuyến nghị, bộ tiêu chuẩn, công cụ hướng dẫn việc thực hiện các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh, giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận. Trong đó, có thể kể đến 10 nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh và được doanh nghiệp coi như “kim chỉ nam” trong quá trình phát triển bền vững nói chung và theo tiêu chuẩn ESG nói riêng.

10 nguyên tắc hướng dẫn về quyền trẻ em trong kinh doanh được VCCI và UNICEF đúc kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Ngoài ra, còn phải kể đến bộ quy tắc hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì quyền trẻ em trong doanh nghiệp dệt may Việt Nam dự kiến phát hành trong quý II năm nay. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa VCCI, UNICEF và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) với nỗ lực thúc đẩy quyền trẻ em trong các hoạt động kinh doanh sản xuất ngành dệt may.

Bộ quy tắc vừa nêu tập trung vào hai mục tiêu chính. Một là, gợi ý cho nhà quản lý, đầu tư giám sát được rủi ro và đánh giá mức độ cam kết thực hiện quyền trẻ em trong kinh doanh của doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Hai là, hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn được giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực, lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong chính sách, quy trình, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tăng mức độ tín nhiệm của nhà đầu tư, khách hàng đối với doanh nghiệp.

Việc doanh nghiệp ngành dệt may thực hiện các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh được coi là một cách để đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu hàng hoá. Vì vậy, Bộ quy tắc giúp doanh nghiệp hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, có thêm động lực để vừa thúc đẩy quyền trẻ em và vừa phát triển bền vững.

Doanh nghiệp quan tâm đến các nguyên tắc về quyền trẻ em trong kinh doanh có thể truy cập Facebook  https://www.facebook.com/CRBPproject để biết thêm chi tiết.
Tin liên quan
Tin khác