ESG là ba tiêu chí quan trọng được sử dụng để đánh giá khả năng phát triển bền vững của một doanh nghiệp, viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).
Mặc dù là từ khóa còn tương đối xa lạ với phần lớn doanh nghiệp Việt, thế nhưng các thị trường lớn trên thế giới đã bắt đầu ban hành chính sách để đưa ESG thành một tiêu chuẩn bắt buộc tuân thủ với các doanh nghiệp.
Các thị trường lớn ‘siết’ quy định về ESG
Từ năm 2022, các công ty hơn 500 nhân viên ở Anh có nghĩa vụ báo cáo về các vấn đề ESG theo Yêu cầu công bố tính bền vững (SDR), theo Reuters.
Đáng chú ý, Đức cũng đã thông qua Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng, buộc các công ty lớn phải tuân thủ các tiêu chí về môi trường, xã hội và giám sát hoạt động của các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Công ty bị phát hiện vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt, hoặc nghiêm trọng hơn, nhà cung cấp có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng nếu sai phạm.
Vào tháng 1/2023, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) hiệu lực trên toàn khu vực, có thể tác động đến khoảng 50.000 thực thể lớn được niêm yết tại EU.
Ở Mỹ, dù chưa có quy định cụ thể về ESG hay phát triển bền vững nhưng đã có những quy định nhắm vào các hành vi vi phạm nhân quyền và buôn người. Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng đã soạn thảo các quy tắc yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về môi trường và biến đổi khí hậu.
Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy trong bối cảnh các thị trường lớn như EU, Mỹ đang áp dụng tiêu chuẩn ESG trong sản xuất hàng hoá và thương mại toàn cầu.
Trên thực tế, hơn 2/3 số chuyên gia thương mại tham gia khảo sát của Reuters cho biết họ luôn cân nhắc các vấn đề về ESG trước khi quyết định hợp tác với nhà cung cấp.
Doanh nghiệp Việt nếu muốn tiếp tục tham gia vào các thị trường lớn thì phải nhận diện được những quy định liên quan đến ESG, nếu không sẽ đánh mất tiềm năng hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế. Các doanh nghiệp đạt chuẩn ESG còn tăng cơ hội tiếp cận dòng vốn đầu tư dài hạn, từ đó thiết lập các quan hệ đối tác lâu dài.
Khó mở rộng thương mại nếu không tuân thủ
Tại COP28, Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định mục tiêu cam kết Net Zero vào năm 2050. Trước đó, Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước với định hướng phát triển bền vững.
Về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt, báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố năm 2022 cho thấy, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 đến 4 năm tới.
Nguyên nhân đến từ ba động lực chính: tuân thủ pháp luật nước sở tại, tăng cường giá trị của doanh nghiệp và giảm thiểu rủi ro liên quan đến danh tiếng. Nhiều tiêu chí ESG liên quan đến chuỗi cung ứng như lượng khí thải carbon, quyền lao động, chống tham nhũng, tìm nguồn cung ứng bền vững,... đòi hỏi các chuyên gia thương mại phải tham gia sâu vào các sáng kiến ESG của công ty.
Báo cáo của Reuters còn cho thấy hơn một nửa công ty tham gia khảo sát đang thu thập dữ liệu về sức khỏe và an toàn (54%), thực tiễn lao động tại doanh nghiệp (51%), thông tin về đạo đức kinh doanh của nhà cung cấp (48%) và lượng khí thải carbon (47%).
Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng đưa ESG vào chiến lược phát triển bền vững của mình, biến ESG thành “sức bật” để vươn lên, tăng năng lực cạnh tranh khi tham gia vào dòng chảy thương mại quốc tế.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện các Bộ Ban ngành, Tham tán/Thương vụ các nước khu vực châu Á và Mỹ, cũng như đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí; hứa hẹn mang đến những thảo luận sâu sắc, chi tiết về ESG và tiềm năng của việc tuân thủ ESG đối với thu hút dòng vốn xanh và thương mại toàn cầu.