Việc EU bật đèn xanh cho thương vụ mua lại Activision Blizzard là một thắng lợi lớn đối với Microsoft. Ảnh: Reuters |
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp cao nhất của EU, cho biết Microsoft đã đề xuất biện pháp khắc phục trong lĩnh vực phát triển game trên đám mây nhằm ngăn chặn rủi ro độc quyền. Các biện pháp khắc phục của Microsoft cho phép người dùng phát trực tuyến các trò chơi Activision mà họ mua trên bất kỳ nền tảng đám mây nào.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu, việc tiếp quản Activision sẽ không làm giảm cạnh tranh trên thị trường máy chơi game cầm tay mà hiện Sony đang thống trị với sản phẩm PlayStation.
Do đó, trong thương vụ của Microsot, phần lớn nội dung điều tra của EU tập trung vào thị trường game trên đám mây (cloud gaming).
Việc châu Âu bật đèn xanh là một thắng lợi lớn đối với Microsoft, bởi tháng trước Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường của Vương quốc Anh đã tuýt còi thương vụ này do lo ngại nó sẽ làm giảm cạnh tranh trên thị trường còn non trẻ như game trên đám mây.
Theo đánh giá của Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường của Vương quốc Anh, Microsoft sẽ có lợi về mặt thương mại khi biến các game chủ chốt của Activision, chẳng hạn như Call of Duty, thành sản phẩm độc quyền trên các nền tảng đám mây của riêng mình. Tuy nhiên, nó sẽ không làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường máy chơi game cầm tay (bằng bảng điều khiển).
Ngoài Vương quốc Anh, ý định mua lại Activision của Microsoft cũng vấp phải sự phản đối của một số cơ quan quản lý khác và đối thủ, trong đó có hãng sản xuất máy chơi game tại nhà PlayStation.
Microsoft đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Ủy ban châu Âu về việc biến các trò chơi Activision thành sản phẩm độc quyền của mình.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith đã gặp gỡ các quan chức EU vào tháng 2 vừa qua, sau đó tập đoàn công nghệ Mỹ cho biết họ sẽ đưa các trò chơi Xbox PC lên nền tảng game trên đám mây của nhà sản xuất chip Nvidia. Trước đó, Nvidia được cho là đã lên tiếng phản đối thương vụ của Microsoft.
Được biết, Microsoft đã ký một thỏa thuận 10 năm với "ông lớn" ngành game Nintendo về việc đưa Call of Duty lên các nền tảng của nhà phát triển game Nhật Bản, nếu thỏa thuận với Activison kết thúc.
Ủy ban châu Âu đã xem xét một số vấn đề xung quanh thỏa thuận mua lại của Microsoft, bao gồm đánh giá tác động cạnh tranh trên thị trường máy chơi game cầm tay và thị trường game trên đám mây.
Các quốc gia khác đang xem xét xem liệu việc mua lại Activision của Microsoft có thể làm méo mó cạnh tranh trên thị trường máy chơi game trên thiết bị cầm tay và thị trường game trên đám mây hay không. Câu hỏi được đặt ra là liệu Microsoft có thể giữ độc quyền các trò chơi của Activision trên các nền tảng riêng của mình hay không.
Ở phân khúc máy chơi game cầm tay, Microsoft với sản phẩm Xbox, đã bị đánh giá là đi sau sản phẩm PlayStation 5 của Sony và Switch của Nintendo. Nhưng "ông lớn" công nghệ Mỹ đã đặt cược tương lai vào game trên đám mây, một phân khúc thị trường còn non trẻ của ngành game.
Chơi game trên đám mây sẽ cho phép người chơi truyền trực tuyến trò chơi từ máy chủ một cách hiệu quả, bỏ qua nhu cầu về phần cứng chuyên dụng đắt tiền, chẳng hạn như bảng điều khiển. Những game này có thể được chơi trên các thiết bị phổ biến hiện nay như TV, điện thoại thông minh và máy tính xách tay. Nếu người dùng mua game trực tuyến, họ có thể phát trực tuyến game đó qua dịch vụ trên đám mây.
Chìa khóa cho các nhà phát triển game trên đám mây là phải tạo dựng được một danh mục lớn các trò chơi để người dùng có thể truy cập ngay lập tức thông qua hệ thống đăng ký, giống như Netflix. Đó là một phần lý do đằng sau việc Microsoft đề xuất mua lại Activision.