Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu về năng lượng là rất lớn. |
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam hé lộ điều này trong cuộc trao đổi gần đây với phóng viên Báo Đầu tư. Hiện phía EU đang triển khai gói hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu trị giá khoảng 250 triệu EUR, chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng.
“Chúng tôi đang chờ quan sát tình hình năm 2021 để cân đối hoặc tăng thêm gói hỗ trợ này cho Việt Nam. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc tình hình thực tế năm 2021, nhưng khả năng cao sẽ tăng mức hỗ trợ cho gói 250 triệu EUR cho Việt Nam”, Đại sứ EU cho biết.
Các chương trình hỗ trợ của EU cho Việt Nam thường kéo dài theo 7 năm, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. EU đang trong quá trình xây dựng chương trình hỗ trợ mới cho Việt Nam trong 7 năm tiếp theo, trong đó vẫn ưu tiên cho lĩnh vực năng lượng.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết, năng lượng tái tạo là lĩnh vực có tác động tích cực. “Chúng tôi đang tài trợ một số dự án phát triển năng lượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Chúng tôi thường phối hợp với EVN để tránh trường hợp tài trợ những dự án mà vị trí đó không thuận lợi và gây ra tác động tiêu cực”, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư.
Theo Đại sứ Pháp, trong lĩnh vực năng lượng, Pháp có Tập đoàn Điện lực EDF, còn ở các lĩnh vực khác như phát triển đô thị, có nhiều doanh nghiệp rất am hiểu thị trường Việt Nam và sẽ thúc đẩy các dự án đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.
Gần đây nhất, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), EU và Chính phủ Việt Nam đã ký các hiệp định tài trợ cho một dự án chung mới về cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ.
Cụ thể, khoản tài trợ dự án chung này có khoản viện trợ không hoàn lại 5 triệu EUR từ EU, khoản vay ODA 123 triệu EUR từ AFD và khoản đối ứng 28 triệu EUR từ ngân sách 4 tỉnh tham gia dự án. Trong đó, 5 đô thị loại nhỏ được hưởng lợi từ dự án này gồm Phát Diệm (Ninh Bình), Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Hoàng Mai (Nghệ An), Hương Khê và Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Đại sứ EU cho rằng, các đợt thiên tai tàn phá ở miền Trung Việt Nam vừa qua cho thấy, thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Do đó, điều quan trọng là phải hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai với khả năng chống chịu và phục hồi tốt.
Cũng theo Đại sứ EU, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của các bên, kể cả các nước phát triển và đang phát triển. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên nhu cầu về năng lượng là rất lớn, cũng đang hướng đến phát triển năng lượng xanh.
“Thái độ, cách nhìn nhận và xử lý của Việt Nam về biến đổi khí hậu so với các quốc gia châu Âu trước kia là hoàn toàn khác nhau, nhưng chúng tôi gần đây nhận thấy nỗ lực lớn của Việt Nam trong các chương trình và hoạt động về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Châu Âu rất muốn giới thiệu các mô hình mẫu về ứng phó biến đổi khí hậu đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam để ứng dụng vào thực tiễn”, Đại sứ EU đánh giá.
Theo Đại sứ EU, Việt Nam sẽ cần quá trình lâu hơn nữa để triển khai và đạt được những kết quả về chống biến đổi khí hậu như các quốc gia phát triển đã đạt được, nhưng điều quan trọng là những nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam khi tích cực tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cùng với các quốc gia khác.
Trong khung khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Đại sứ EU cho biết, Việt Nam đã tăng cam kết giảm phát thải CO2 lên 9%, cao hơn so với mức 8% trước đó và dự kiến đến năm 2030, mức giảm phát thải sẽ lên tới 27%.