Quốc tế
EU, Trung Quốc chuẩn bị đàm phán về thuế xe điện
Đông Phong - 23/06/2024 20:15
Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về kế hoạch áp thuế đối với xe điện Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường châu Âu.
Ô tô điện tập kết tại bến cảng container quốc tế thuộc cảng Thái Thương, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Mới đi bước đầu tiên và sẽ cần nhiều bước nữa

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 22/6 cho biết ông đã được Ủy viên thương mại EU, ông Valdis Dombrovskis, thông báo rằng khối này sẽ có các cuộc đàm phán cụ thể về thuế quan với Trung Quốc.

Xác nhận trên được đưa ra sau khi Bộ thương mại Trung Quốc cho biết người đứng đầu bộ này Wang Wentao và ông Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (cơ quan hành pháp cao nhất của EU), đã nhất trí bắt đầu tham vấn về cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất.

"Đây là diễn biến mới và đáng ngạc nhiên ở chỗ chúng ta chưa thể đưa ra một lịch trình đàm phán cụ thể trong vài tuần qua", ông Habeck nói tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cho hay đây là bước đầu tiên và sẽ cần nhiều bước nữa. "Chúng ta còn lâu mới đến đích, nhưng ít nhất, đây là bước đầu tiên mà trước đây đã không thể thực hiện được".

Cũng theo Bộ trưởng Habeck, EU đã mở cửa cho các cuộc thảo luận liên quan đến thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

"Điều tôi đề nghị với các đối tác Trung Quốc hôm nay là cánh cửa thảo luận luôn rộng mở và tôi hy vọng rằng thông điệp này sẽ được lắng nghe", ông Habeck nói trong tuyên bố đầu tiên tại Thượng Hải, sau cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Habeck là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao châu Âu đến Trung Quốc kể từ khi Brussels đề xuất tăng mức thuế đối với xe điện nhập khẩu do Trung Quốc sản xuất, nhằm phản ứng lại những gì mà EU cho là trợ cấp quá mức của chính quyền Trung Quốc.

Ông Habeck cho biết EU và Trung Quốc cần có thời gian đối thoại về các vấn đề thuế quan trước khi các mức thuế bổ sung có hiệu lực đầy đủ vào tháng 11 tới. Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng kỳ vọng vào một thị trường mở, nhưng cũng cần một sân chơi bình đẳng.

Bộ trưởng Habeck cho rằng các khoản trợ cấp đã được chứng minh là nhằm mục đích tăng lợi thế xuất khẩu của các công ty là không thể chấp nhận được.

Áp thuế không phải là "hình phạt"

Mức thuế tạm thời lên tới 38,1% mà EU đưa ra đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ được áp dụng trước ngày 4/7 và cuộc điều tra của EU đối với việc trợ cấp phát triển xe điện của chính quyền Trung Quốc sẽ được tiếp tục cho đến ngày 2/11, khi đó các mức thuế cuối cùng, thường là 5 năm, có thể được áp dụng.

"Điều này mở ra một giai đoạn mà các cuộc đàm phán có thể diễn ra, các cuộc thảo luận rất quan trọng và cần có đối thoại", ông Habeck nhận định.

Bộ trưởng Kinh tế Đức nói với các quan chức Trung Quốc rằng đề xuất thuế quan của EU đối với hàng hóa Trung Quốc không phải là một "hình phạt". Ông nói trong phiên họp toàn thể đầu tiên của cuộc đối thoại về khí hậu và chuyển đổi rằng: "Điều quan trọng là phải hiểu rằng đây không phải là thuế quan mang tính trừng phạt".

Các quốc gia như Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thuế quan để trừng phạt, nhưng EU thì không. "Châu Âu làm những điều khác biệt", Bộ trưởng Habeck nói.

Ủy ban châu Âu đã kiểm tra chi tiết trong 9 tháng xem liệu các công ty Trung Quốc có được hưởng lợi một cách không công bằng từ các khoản trợ cấp hay không.

Ông Habeck cho rằng, bất kỳ biện pháp thuế đối kháng mà EU xem xét đều "không phải là một hình phạt", đồng thời lý giải rằng các biện pháp đó nhằm bù lại những lợi thế mà Bắc Kinh dành cho các công ty Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, khẳng định: "Chúng tôi sẽ làm mọi cách để bảo vệ các công ty Trung Quốc".

Ông Zheng nói thêm rằng các mức thuế đề xuất của EU đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ gây tổn hại cho cả hai bên. Ông nói với Bộ trưởng Kinh tế Đức rằng ông hy vọng Berlin sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo trong EU và "làm điều đúng đắn".

Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cũng bác bỏ cáo buộc về trợ cấp không công bằng khi cho rằng sự phát triển của ngành năng lượng mới của Trung Quốc là kết quả của lợi thế toàn diện về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng công nghiệp, được thúc đẩy trong sự cạnh tranh khốc liệt. Sự tăng trưởng của ngành này "là kết quả của sự cạnh tranh, chứ không phải là trợ cấp, chứ chưa nói đến cạnh tranh không lành mạnh", ông Zheng khẳng định.

Trong trường hợp các cuộc đàm phán giữa EU và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc SAIC đã thiết kế một loạt sản phẩm sáng tạo để ứng phó với mối đe dọa thuế quan.

Ông Shao Jingfeng, giám đốc thiết kế tại trung tâm đổi mới R&D của SAIC, đã đăng tải nhiều bức ảnh trên tài khoản mạng xã hội weibo của mình cho thấy các sản phẩm như ván trượt, áo hoodie, giày thể thao, cốc, ô và vợt bóng bàn, chủ yếu có màu vàng và đen và có trang trí biểu tượng của EU và con số "38,1" - ám chỉ mức thuế của EU.

Tin liên quan
Tin khác