BYD Co, công ty sản xuất xe điện Trung Quốc đã giành vị trí số 1 từ tay Tesla Inc trong năm 2023, trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất toàn cầu.
Trong tháng trước, BYD công bố kế hoạch giới thiệu dòng xe mang tên Seagull vào thị trường châu Âu trong năm tới. Với giá khoảng 10.000 USD, Seagull sở hữu những chức năng như Cruise Control (hệ thống kiểm soát hành trình có chức năng tự động điều khiển các thiết bị điện tử trên xe nhằm ổn định tốc độ), sạc điện thoại không dây… Đây là các đặc điểm thường chỉ có ở những phương tiện phân khúc cao cấp hơn.
Ngay cả sau khi chịu các khoản thuế, phí và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu, giá của xe do BYD sản xuất và bán ra thị trường này vẫn chưa tới 21.500 USD/chiếc. Con số này thấp hơn hàng nghìn USD so với các xe điện khác mà nhiều “ông lớn” xe điện châu Âu cung cấp cho thị trường, bao gồm các tên tuổi Stellantis NV, Renault SA…
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao dòng sản phẩm này và cả các sản phẩm tiếp theo tới từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc. Tất nhiên, chúng tôi có sự lo lắng nhất định khi các đối thủ mới gia nhập thị trường”, Martin Sander, người đứng đầu bộ phận kinh doanh xe điện tại châu Âu của Ford Motor Co cho biết.
Mẫu Seagull của BYD đã xuất hiện khá tích cực tại thị trường châu Á và một số khu vực khác. Tại Mexico, người mua đã xếp hàng để đặt mua dòng xe này với giá 19.780 USD kể từ khi sản phẩm được ra mắt vào tháng 2, bất chấp hạ tầng đi kèm như trụ sạc chưa thực sự phát triển.
BYD là một trong những nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tiên phong nhắm tới các thị trường quốc tế. Theo báo cáo của Bernstein, sự tăng trưởng của BYD, bao gồm cả doanh số bán xe không phải xe điện, đạt được nhờ xuất khẩu nhiều hơn. Các thị trường nước ngoài chiếm khoảng 10% trong tổng số hơn 3 triệu lượt bán của BYD vào năm ngoái, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Vào đầu năm 2024, CEO Tesla Elon Musk từng lên tiếng cảnh báo các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc “sẽ hạ gục” đa phần các đối thủ trên thị trường toàn cầu nếu các rào cản thương mại không được thiết lập.
Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã nâng mức thuế đối với xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường này lên gấp 4 lần (từ 27% lên 100%). Tuy nhiên, câu chuyện này tại châu Âu có phần phức tạp hơn. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều nhà sản xuất xe điện châu Âu đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc so với các doanh nghiệp xe điện Mỹ, khiến nhóm doanh nghiệp này dễ chịu tổn thương trước các biện pháp đáp trả từ Bắc Kinh.
Chưa kể, châu Âu có kế hoạch yêu cầu các loại xe hỗn hợp, xe điện cần phải có giá rẻ hơn so với ô tô chạy nguyên liệu xăng dầu hiện tại nhằm nâng cao khả năng chấp nhận của người tiêu dùng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Trước đó, giới chức châu Âu đã tiến hành các bước đầu của việc nâng hàng rào thuế quan đối tới xe điện Trung Quốc, tuy nhiên chính lãnh đạo các doanh nghiệp xe điện châu Âu, cùng giới chuyên gia lên tiếng kêu gọi trì hoãn động thái này.
Năm 2023, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường xe điện châu Âu chỉ vào khoảng 7%, tuy nhiên, theo tổ chức Transport & Environment dự báo, con số này có thể tăng lên 11% năm 2024 và 20% năm 2027.
Thị phần của các thương hiệu xe điện Trung Quốc tại châu Âu qua các năm. |
Quay trở lại mẫu xe sắp được trình làng, theo các chuyên gia, có lý do để các nhà sản xuất xe điện ở cả châu Âu và Mỹ phải lo ngại.
“Bất kỳ ai trong ngành công nghiệp xe điện đều phải quan tâm tới mẫu xe này, bởi nó thay đổi những định kiến về xe giá rẻ”, Terry Woychowshi, Chủ tịch Caresoft Global - hãng tư vấn kỹ thuật Mỹ cho biết. Trước đó, Caresoft đã tháo rời BYD Seagull thành từng mảnh để so sánh chiếc xe điện nhỏ này với những mẫu xe từ các công ty khởi nghiệp và các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác. Caresoft đã từng tháo dỡ và đánh giá hơn 30 loại xe điện do Trung Quốc sản xuất như BYD, Nio, Xpeng...
Nghiên cứu ban đầu của Caresoft về BYD Seagull cho thấy mẫu xe được thiết kế và sản xuất một cách hiệu quả, đơn giản, nhưng với chất lượng bất ngờ và độ tin cậy cao.