1 triệu dânCộng hòa Síp thất vọng với quyết định đánh thuế
vào tiền gửi tiết kiệm của Chính phủ . Ảnh: ST
Theo báo Le Temps, Thụy Sĩ, Bộ trưởng tài chính 17 nước Eurozone đã đồng ý với thể thức triển khai gói cứu trợ dành cho Síp.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh: "Gói cứu trợ này phù hợp với các điều kiện và mục tiêu chủ yếu đã được xác định trong tháng Ba vừa qua."
Kết quả này đã bật đèn xanh cho quốc hội nhiều nước tiến hành thông qua gói cứu trợ trên và Cộng hòa Síp có thể sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ đầu tiên vào tháng Năm tới.
Thực tế, ngoài gói cứu trợ 10 tỷ euro, Cộng hòa Síp phải xoay sở được 13 tỷ euro, nhiều hơn 6 tỷ so với dự kiến để cứu nước này khỏi phá sản. Síp sẽ dựa vào việc tái cấu trúc ngành ngân hàng, bao gồm cả việc đánh thuế rất cao những người gửi trên 100.000 euro tại ngân hàng để kiếm đủ số tiền trên.
Biện pháp chưa từng có tiền lệ này có thể sẽm mang về cho Síp 10,6 tỷ euro (so với 5,8 tỷ euro như dự kiến trước đó). Ngoài ra, quá trình tư nhân hóa một số lĩnh vực kinh tế khác có thể mang đến cho Síp khoảng 1 tỷ euro. Các biện pháp tăng thuế sẽ góp vào khoảng 600 triệu, bán lượng vàng dự trữ cũng sẽ mang lại khoảng 400 triệu euro.
Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho rằng thời gian tới sẽ là quãng thời gian rất khó khăn đối với Cộng hòa Síp.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cũng đã cho rằng GDP của Síp có thể giảm 15% trong năm 2013-2014, trong một văn bản khác, "bộ ba" đánh giá con số này vào khoảng 12,5%.
Ở trong tình trạng ngày một khó khăn, trước thềm hội nghị, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades đã đánh tiếng yêu cầu một khoản "cứu trợ bổ sung" tuy nhiên, châu Âu không muốn chi quá 10 tỷ euro để cứu nước này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone cũng đã quyết định gia hạn thêm 7 năm các khoản vay của Bồ Đào Nha và Ireland. Mặc dù có nhiều lo ngại xung quanh việc Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha không phê chuẩn các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong năm 2013 của nước này, nhưng Eurozone vẫn quyết định gia hạn các khoản vay vì tin tưởng rằng những yêu cầu điều chỉnh ngân sách sẽ được nhà cầm quyền Bồ Đào Nha thực hiện.
Trước đó, Ireland đã nhận được gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro, Bồ Đào Nha là 78 tỷ euro từ Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đổi lại, hai nước phải cam kết tiến hành cải tổ mạnh mẽ cấu trúc nền kinh tế.
Hoàng Long/Geneva
Theo Vietnam+