Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về cơ hội đặt ra cho ngành gỗ Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (VPA/FLEGT) chuẩn bị đi vào thực thi, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, những năm gần đây xuất khẩu gỗ sang thị trường EU khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm. Đây là thị trường rất quan trọng vì bao gồm liên minh các nước khá “khó tính”. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao. Với hai Hiệp định, dù xuất khẩu sản phẩm gỗ sang EU không thể gia tăng đột biến nhưng hoàn toàn có thể kỳ vọng trị giá sẽ tăng lên, thu về nhiều kết quả. “Đáng chú ý, ngoài câu chuyện tác động đến xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường EU thì việc ký kết và thực thi Hiệp đinh EVFTA và VPA/FLEGT sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao uy tín, chiếm được lòng tin tại các thị trường khác như Mỹ, Nhận Bản”, ông Hoài nhận định. Đồng ý với quan điểm của ông Hoài, Đại diện Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện tại Việt Nam đang xuất khẩu gỗ và lâm sản đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU hiện là 1 trong 5 thị trường lớn nhất với sức mua ổn định. Tuy nhiên nhu cầu ở thị trường này được dự báo sẽ không tăng quá nhanh trong thời gian tới, như vậy khi hai Hiệp định EVFTA và VPA/FLEGT thực thi xuất khẩu không tăng trưởng mạnh, khó có thể đưa thị trường EU lên top 2-3. Nhưng khi Việt Nam có hai Hiệp định với thị trường khó tính này, sẽ có được niềm tin của đối tác và người tiêu dùng thế giới. Đó là bước đệm để xuất khẩu gỗ lâm sản gia tăng ở các thị trường khác.
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu – EVFTA đã được biểu quyết thông qua. Dự kiến, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Còn Hiệp định VPA/FLEGT đã có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Hiện nay, phía Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị nội luật hóa các quy định để có thể nhanh chóng cấp giấy phép FLEGT, mở đường để gỗ Việt “rộng cửa” vào EU và các thị trường uy tín khác. Nói về tiến trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT bà Nguyễn Tường Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và Hợp tác quốc tế ,Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Hiện nay, Nghị định đã được xây dựng hoàn thiện chờ Chính phủ phê duyệt. Nếu suôn sẻ, Nghị định dự kiến được kí ban hành khoảng tháng 9/2020. Sau khi Nghị định có hiệu lực, vấn đề quản lý gỗ nhập khẩu phải áp dụng luôn theo qui định trong Nghị định, trong khi đó 6 tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp. Đến đầu năm 2021, Việt Nam có thể vận hành được hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Kinh nghiệm cho thấy phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới có giấy phép FLEGT đầu tiên được cấp”. Ở góc độ sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tận dụng cơ hội mà Hiệp định VPA/FLEGT và EVFTA đem lại, theo ông Hoài, đến nay, các doanh nghiệp lớn có chế biến, xuất khẩu gỗ sang EU cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Hiệp định. Hiệp định này thực chất là sự tổng hợp, hệ thống hóa tất cả những gì ngành gỗ Việt Nam đã làm từ trước tới nay. “Tôi muốn khẳng định lại là nếu làm tốt thì với hai Hiệp định này, các đối tượng bị chi phối nhiều nhất, đồng thời cũng là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là trên 3.000 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; 324 làng nghề có kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ và 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng”, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá. |