Một cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh: Đ.T |
EC thông qua EVFTA
EC đã chính thức thông qua EVFTA, mở đường cho việc thực hiện hiệp định này.
Ông Gordan Grlic Radman, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Croatia, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cho biết, EVFTA là hiệp định thứ 2 mà Liên minh châu Âu (EU) ký với một quốc gia Đông Nam Á và là hiệp định tham vọng nhất từ trước đến nay của EU với một quốc gia đang phát triển.
Kỳ vọng EVFTA sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội thương mại cho cả EU và Việt Nam, các nước thành viên khác của EU như Hà Lan, Tây Ban Nha và Bỉ cũng đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của EC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hiệp định, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19.
Việc thông qua thủ tục pháp lý cuối cùng liên quan đến EVFTA của EC cũng khẳng định mạnh mẽ thông điệp của EU và các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy hợp tác và liên kết kinh tế, duy trì các dòng chảy thương mại và chuỗi cung ứng, hạn chế xu hướng bảo hộ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Với Việt Nam, khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Đòn bẩy tăng trưởng
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Nhận định về tác động của EVFTA và tầm quan trọng của thị trường EU, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho hay, xuất khẩu của EU thời gian vừa qua có giảm do dịch Covid-19, nhưng đây là thị trường rất quan trọng của Việt Nam.
Ông Thái cũng nhấn mạnh, với ngành dệt may và da giày - các lĩnh vực được đánh giá là hưởng nhiều ưu đãi trong Hiệp định, nếu không đáp ứng yêu cầu chặt chẽ, đòi hỏi rất cao về xuất xứ, thì rất khó hưởng lợi về giảm thuế. Nếu không giải được bài toán nguyên liệu, các ngành xuất khẩu lớn sang EU như dệt may, giày dép sẽ chỉ tăng trưởng được theo chiều rộng, chứ khó đạt được chiều sâu.
Tuy nhiên, trên thực tế, không nhất thiết doanh nghiệp nào cũng phải xuất khẩu trực tiếp hàng sang EU, mà chỉ cần là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng được hưởng lợi. Do đó, việc thiết lập được chuỗi cung ứng hàng hóa tại thị trường trong nước sẽ mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho tất cả các mắt xích trong chuỗi.
Theo các chuyên gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nhìn trong tổng thể thì thấp hơn doanh nghiệp EU, nhưng trong một số ngành nhất định, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều ưu thế, nên cơ hội từ EVFTA là rất lớn.
Đặc biệt, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, Việt Nam và EU là hai thị trường mang tính chất bổ sung, hỗ trợ, ít tính cạnh tranh trực tiếp, nên EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho đẩy mạnh trao đổi thương mại. Chẳng hạn, hàng hóa phổ biến nhất ở châu Âu được bán tại Việt Nam bao gồm ô tô, máy móc, thiết bị, dược phẩm. Trong khi đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, hàng dệt may, da giày, cà phê, hải sản.
“Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam đạt khoảng 56 tỷ USD/năm và con số này sẽ tăng mạnh khi EVFTA có hiệu lực”, ông Nicolas Audier nhận định.
Sau đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, ngày 24/3/2020, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo bộ hồ sơ của Chính phủ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, quyết định trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định.
Nguồn: Vụ Chính sách thương mại đa biên