Đầu tư và cuộc sống
Facebook Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu phạm luật khi xúi giục bạo lực
Nhàn Anh - Trần Khanh - 23/10/2019 20:18
Lên án đối với những hành vi bạo hành trẻ em là cần thiết. Tuy nhiên, việc lên án bằng cách nào cần phải phù hợp và đúng chuẩn mực đạo đức, phù hợp quy định pháp luật.
Lực lượng chức năng có mặt để can ngăn người dân kéo đến nhà "dạy bảo" anh Tí. Ảnh: Báo Ấp Bắc

Cách đây mấy ngày, trên trang facebook có tên Đàm Vĩnh Hưng đã đăng lời kêu gọi giới “hiệp sĩ, anh em giang hồ cho thằng này nếm mùi của những cái tát liên tục vô bản mặt chó của nó giùm tui”; “tui muốn treo giải thưởng 20 triệu uống cafe chơi cho ai tát vô mặt nó liên tục y chang như vậy”, và còn chú thích thêm “nhớ quay clip nhen”.

“Thằng này” mà facebook Đàm Vĩnh Hưng đề cập, là anh Đoàn Văn Tí (quê An Giang, sống và làm việc tại Mỹ Tho, Tiền Giang), người bị tung clip đánh con trai nhỏ lên mạng.

Sự việc này đặt ra câu hỏi, liệu việc xúi dục bạo lực của facebook Đàm Vĩnh Hưng có vi phạm pháp luật?.

Về sự việc trên, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - giảng viên Khoa Luật (Đại học Kinh tế Luật) đưa ra nhận định, Facebook Đàm Vĩnh Hưng có dấu hiệu vi phạm luật khi xúi dục bạo lực.

"Không thể lấy một việc làm sai để để đáp trả một hành vi sai khác. Mọi việc phải thượng tôn pháp luật dù là người của công chúng hay bất cứ người dân nào. Sự việc trên cho thấy, công lý đám đông là công lý bất chấp pháp luật. Nếu ai cũng xử lý theo công lý đám đông một cách tùy tiện thì xã hội sẽ rối loạn.

Sự việc này là hồi chuông cảnh báo cho việc sử dụng, đăng tải thông tin lên không gian mạng. Đồng thời giúp nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân" - ông Quang nói.

Trả lời về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cũng đồng quan điểm, việc người cha bạo hành con là đáng lên án, tuy nhiên, việc lên án bằng cách nào cần phải phù hợp và đúng chuẩn mực đạo đức, phù hợp quy định pháp luật thì cần cân nhắc.

"Việc kêu gọi người khác, dù bằng bất cứ bằng phương tiện gì, để thực hiện một hành vi vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật. Đó sự kích động, xúi giục cho bạo lực. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự" - ông Diệp Năng Bình nói. 

Đồng thời, luật sư Diệp Năng Bình cũng đưa ra các quy định của pháp luật về hành vi kích động, xúi dục người khác: "Nếu người bị kích động, xúi giục thực hiện hành vi phạm tội, tức cấu thành một tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì người kêu gọi có thể bị truy cứu với vai trò là đồng phạm, trong một số trường hợp ở vai trò tổ chức. 

Dù là người dân thường hay người nổi tiếng đều phải cân nhắc lời kêu gọi trừng phạt người khác, đặc biệt trên không gian mạng xã hội. Để truy cứu được người kêu gọi, cơ quan điều tra phải chứng minh được hành vi phạm tội đó có sự tác động của sự kêu gọi. Giả sử, nếu nhóm người kia vi phạm pháp luật trước khi có hành động của người nổi tiếng thì cũng không thể nào xử lý được". 

Tin liên quan
Tin khác