Samsung vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Phong phú “khẩu vị” của các nhà đầu tư
Số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm 2021 chưa chính thức được công bố, song nếu xét về lĩnh vực đầu tư, có lẽ xu hướng không có nhiều thay đổi.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành sản xuất, phân phối điện, mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn, mua cổ phần không nhiều, song với quy mô dự án lớn, nên đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,41 tỷ USD và 1,27 tỷ USD.
Như vậy, dù gần đây “khẩu vị” của các nhà đầu tư đã có những thay đổi, song chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất.
“Việt Nam đang đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng trong năm 2021 và dự báo bứt phá trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung sẽ bứt phá, song theo ông Đỗ Nhất Hoàng, mỗi nhà đầu tư sẽ lựa chọn đổ vào những lĩnh vực khác nhau. “Ví dụ, Việt Nam dự kiến thu hút được các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo của Hàn Quốc với mục tiêu tìm kiếm cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới”, ông Hoàng nhận định.
Trong khi đó, với Nhật Bản, dòng vốn sẽ đổ vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, phi sản xuất. “Các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự kiến cũng tăng lên. Đây là cơ hội để Việt Nam có thể tham gia sâu các chuỗi cung ứng, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định như vậy.
Còn với Đài Loan, theo một nghiên cứu gần đây của Đài Loan, Việt Nam tiếp tục dẫn dầu ASEAN về địa điểm thích hợp để khuyến cáo doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt trong hai lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh là điện tử, dệt sợi.
“Trong trung hạn, các doanh nghiệp OEM, ODM của Đài Loan vẫn ưu tiên lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư hoặc mở rộng sản xuất do những lợi thế vượt trội của Việt Nam so với các nước ASEAN khác”, ông Lê Tuấn, Trợ lý Chủ nhiệm Văn phòng, Trưởng bộ phận Đầu tư, Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cho biết.
Xu hướng dịch chuyển vào những ngành hàng giá trị cao
Một báo cáo vừa được Savills Việt Nam công bố cho rằng, từ một nền kinh tế với các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, Việt Nam đang tiếp tục chuyển đổi sang các ngành công nghiệp có giá trị cao. Savills đã viện dẫn các số liệu thống kê về xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong các sản phẩm điện tử, điện thoại, linh kiện những năm gần đây, để chứng minh điều này.
Theo ông John Campbell, Quản lý Bộ phận Bất động sản Công nghiệp, Savills Việt Nam, bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục chuyển đổi từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sang các ngành công nghiệp có giá trị cao.
“Các ngành công nghiệp giá trị thấp đang dần dần hình thành ở những khu vực khác tại Đông Nam Á. Nguyên nhân là Việt Nam không còn áp dụng các chính sách ưu đãi như trước, nên việc tìm kiếm nguồn lao động, cũng như đất đai giá rẻ tại Việt Nam trở nên khá khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư của những ngành công nghiệp có giá trị cao tại nước ngoài vẫn lạc quan về sự tăng trưởng dài hạn của Việt Nam”, ông John Campbell nói.
Đây thực sự là một xu hướng ngày càng trở nên rõ nét ở Việt Nam, đặc biệt kể từ khi hàng loạt đại gia công nghệ lớn có đầu tư tại Việt Nam. Samsung, LG của Hàn Quốc là những ví dụ điển hình. Cả hai “ông lớn” này vẫn đang tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Samsung đang nỗ lực hoàn thiện việc xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội. Còn LG chỉ trong năm nay đã hai lần tăng vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm lên tới 2,15 tỷ USD.
Trong khi đó, Tập đoàn Intel của Mỹ đang lên kế hoạch đầu tư giai đoạn II, với vốn đầu tư có thể lên tới hơn 2 tỷ USD. Ngay cả với nhà đầu tư Đài Loan, theo ông Lê Tuấn, thời gian gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ như Foxconn, Winstron, Compal, Pegatron… có các dự án đầu tư lớn vào Việt Nam. Hầu hết các dự án này là để phục vụ nhu cầu đặt hàng ngày càng tăng của các tập đoàn lớn như Dell, Apple, Cisco…
Savills Việt Nam cũng lấy dẫn chứng về một loạt dự án đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong thời gian qua, như dự án 498 triệu USD của Jinko Solar trong lĩnh vực thiết bị điện; dự án 270 triệu USD của Foxconn, 269 triệu USD của JA Solar Investment, hay 269 triệu USD của BYD Electronics để chứng minh điều này.
Theo chuyên gia từ Savills, “bức tranh” đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang phát triển theo một chuỗi giá trị trong vòng một thập kỷ vừa qua. Trong đó, ngành thiết bị điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, ở mức 19,29% tổng vốn. Tiếp theo sau là điện tử và máy tính với 17,14%. Giấy, nhựa và cao su lần lượt chiếm 14,66% và 13,54%. Trong khi đó, các mặt hàng dệt may, may mặc và thực phẩm chỉ ghi nhận vốn đầu tư dưới 4% cho mỗi ngành.
Xu hướng dịch chuyển là khá rõ ràng. Với việc Việt Nam công bố các chính sách ưu đãi đầu tư cao hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đặc biệt là các dự án R&D, tới đây, nhiều khả năng vốn đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực và ngành hàng có giá trị cao.