Một báo cáo vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho biết, Mỹ tiếp tục là nhà đầu đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, với tổng vốn đầu tư ở nước ngoài lũy kế đến hết quý I/2015 là khoảng 5.000 tỷ USD. Khoản đầu tư này của Mỹ chiến khoảng 25 - 26% tổng vốn FDI toàn cầu. Giống như các công ty của châu Âu, mục tiêu lớn nhất của các công ty xuyên quốc gia của Mỹ khi đầu tư ra nước ngoài hiện nay là tìm kiếm thị trường. Và đây là một trong những lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư Mỹ. Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, cũng như của nhiều nhà đầu tư khác, so với các nước khác trong khu vực, Việt Nam nổi bật về tiềm năng tiêu dùng và cơ hội mới, do đó, FDI của Mỹ vào Việt Nam có khả năng tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới. Một trong những lý do quan trọng nhất là chi phí lao động thấp. Hiện tại, chi phí nhân công tăng vọt tại Trung Quốc đang khiến nhiều hãng sản xuất đa quốc gia của Mỹ đã hướng sự chú ý vào nơi rẻ hơn 50% là Việt Nam. Điển hình là Microsoft, từ cuối năm 2014, doanh nghiệp này đã chuyển các nhà máy sản xuất smartphone từ Trung Quốc sang Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trọng điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn. Không chỉ đưa các dây chuyền sản xuất về Việt Nam, mang đến những phần mềm, thiết bị và giải pháp mà Microsoft còn tập trung đầu tư về nhân sự, góp phần phát triển các kỹ năng và nguồn lực cho lực lượng công nghệ thông tin ở Việt Nam. “Điều này cho thấy các tập đoàn Mỹ đã coi Việt Nam như một thị trường chiến lược vì những lợi ích lâu dài chứ không chỉ vì những lợi ích trước mắt”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho biết, ngoài Microsoft, một loạt tập đoàn khác cũng đang dịch chuyển trọng tâm sản xuất đến Việt Nam, như Intel, Jabil, Microchip… Lý do thứ hai khiến Việt Nam có sức hút lớn với hầu hết nhà đầu tư ngoại nói chung và Mỹ nói riêng là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được kỳ vọng là sẽ được ký kết trong năm 2016. Kể từ khi Việt Nam đàm phán gia nhập TPP, số lượng các công ty Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ngày càng nhiều. Cụ thể, nếu như năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Mới đây, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng. “Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia vào TPP. Đây là điều kiện thuận lợi để các công ty Mỹ gia tăng đầu tư trong đó có việc không ngừng mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm lợi nhuận”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định và cho rằng, TPP sẽ khiến Việt Nam trở nên khác biệt so với các thị trường đầu tư khác trong khu vực. Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài, Việt Nam cũng có thể sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Ngoài các yếu tố về dân số trẻ và thu nhập của người dân được cải thiện giúp sức mua của người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tăng, tình hình chính trị ổn định, lạm phát được kiềm chế…, thì việc các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Việt Nam đều là thế mạnh của doanh nghiệp Mỹ, như dầu khí (Exxon Mobil, Chevron…), hàng không (Boeing, ADC - HAS Airport), công nghệ thông tin (Microsoft, Intel, Apple, HP) và điện (General Electric, General Atlantis, AES…) sẽ khiến dòng vốn FDI từ Mỹ đổ vào Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện tại, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam còn thấp so với tiềm năng, nhất là khi so sánh số vốn doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Singapore và Malaysia.
Nguyên nhân được cho là xuất phát từ các yếu tố liên quan tới minh bạch và tham nhũng. Có tới 69% số doanh nghiệp Mỹ được hỏi đã trả lời rằng tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Việt Nam.
Ngoài ra, sự hợp tác Chính phủ - doanh nghiệp vẫn còn rời rạc trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tăng khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng với môi trường WTO cho cả doanh nghiệp nhà nước lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân.
Hạn chế về kết cấu hạ tầng, thiếu nhân lực công nghệ cao cũng khiến đầu tư của Mỹ vào Việt Nam không như kỳ vọng.
Bên cạnh đó, chi phí gia tăng trong 5 năm qua, bao gồm chi phí lao động, thuê văn phòng, nhà ở… cũng chưa làm hài lòng nhiều nhà đầu tư.
“Cần tận dụng vốn đầu tư Mỹ từ nhiều kênh khác nhau, có thể thông qua các ngân hàng hoặc các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ. Thực tế, ngân hàng và các quỹ đầu tư là nơi có nhiều các nhà đầu tư thực sự tiềm năng với Việt Nam và cần được tăng cường tiếp cận trong thời gian tới”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.