Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bên lề Diễn đàn Xuất khẩu 2015 với chủ đề “Giải pháp thâm nhập thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh” tổ chức vào giữa tuần này, ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long cho biết, để đón cơ hội từ TPP, Nam Long mới đây đã hoàn thành xây dựng một xưởng sản xuất có vốn đầu tư 1,5 triệu USD, chuyên sản xuất các loại găng tay cao su dân dụng.
“Nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên của Việt Nam có chất lượng tốt, công nghệ sản xuất của chúng tôi đã ngang tầm khu vực, nên dù xuất khẩu với thương hiệu của Nam Long hay không, thì mặt hàng này đều được khách hàng đánh giá cao”, ông Long nói và cho biết, Công ty đã có 3 xưởng sản xuất chuyên làm hàng xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á với thương hiệu Nam Long và xuất sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ… thông qua đặt hàng của đối tác.
Sản phẩm hàng nông sản xuất khẩu của Công ty TNHH Trí Tín. |
Theo ông Long, việc đầu tư xưởng sản xuất mới là hướng tới mục tiêu làm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Dù đã có sự chuẩn bị cho việc thâm nhập thị trường mới, song ông Long vẫn cho rằng, đường đi vẫn gập gềnh. Cụ thể, để sản phẩm vào được thị trường này, doanh nghiệp phải trải qua nhiều thủ tục, trong đó việc xin chứng nhận FDA là khó khăn nhất. Do đó, Nam Long chỉ dám đặt kế hoạch sản xuất khoảng 40% công suất và việc có tăng công suất hay không thì còn phải… chờ.
Cũng có chung sự e ngại, ông Lê Bền, Phó chủ tịch Công ty TNHH Trí Tín cho rằng, Hoa Kỳ là thị trường khắt khe, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật về yêu cầu chất lượng hàng hóa. Là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản được ưa chuộng, song Trí Tín vẫn khó thâm nhập thị trường này.
“Nông sản nói chung, trong đó có trái cây, rất được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng, nhưng do sản phẩm chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng, nên rất khó thâm nhập”, ông Bền nhìn nhận và cho rằng, sau khi trở ngại mà doanh nghiệp Việt thường vướng khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ là rào cản thuế quan quá cao có thể được khắc phục khi TPP có hiệu lực, nhưng các yêu cầu về chất lượng sẽ không dễ làm trong một sớm một chiều.
Là một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Mỹ La tinh, ông Trần Thanh Tú, Chủ tịch Công ty Thái Bình cho biết, để thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, Công ty đã phải đi đường vòng. Đó là mở văn phòng đại diện tại Cuba năm 1998, sau khi đã hiểu khá rõ về thị trường thì mới quyết định mở văn phòng đại diện tại Hoa Kỳ vào năm 2014. “Lợi thế cạnh tranh của Công ty là có kinh nghiệm thị trường, hiểu được ngôn ngữ và bản sắc địa phương, nên đáp ứng nhu cầu các phân khúc tiêu dùng”, ông Tú nói.
Theo ông Tú, sau khi được thị trường khó tính như Hoa Kỳ chấp nhận, Công ty Thái Bình đã sẵn sàng làm đối tác cho các doanh nghiệp Việt khác, chuyên sản xuất trong các lĩnh vực hàng dệt may; gia công túi xách, ví, giày dép, bàn chải, xà phòng; liên doanh sản xuất bột giặt, chất tẩy rửa; phân phối vật liệu xây dựng, thực phẩm, phụ tùng xe, sản phẩm gia dụng, điện - điện tử, điện lạnh, cửa nhựa…
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đàm phán các hiệp định thương mại và mở cửa thị trường là một chuyện, tổ chức sản xuất và xuất khẩu thế nào lại là chuyện khác. Do đó, muốn tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyên môn hóa, đề cao tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh thực phẩm. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các ngành chức năng, các địa phương trong việc cải cách thể chế, chính sách, để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.