Xu hướng đầu tư mới
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây cho thấy, lũy kế tính đến ngày 20/3/2017, Trung Quốc có 1.616 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,19 tỷ USD. Qua kết quả này, Trung Quốc hiện đứng vị trí thứ 8 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.
Với xu hướng thừa vốn và đang muốn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, có thể nói, con số này còn khá khiêm tốn.
Tại các dự án FDI của Trung Quốc và dự án do doanh nghiệp nước này làm tổng thầu, công nghệ thường không như kỳ vọng. Trong ảnh: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên |
Tuy nhiên, dường như tình hình đang xoay chuyển, khi ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, bất kể Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa có tín hiệu tiến triển.
Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, đã có trên 823 triệu USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong số này, vốn đăng ký mới là 683 triệu USD, vốn tăng thêm gần 16 triệu USD. Đáng chú ý, có tới 177 lượt nhà đầu tư Trung Quốc góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng vốn tham gia 123 triệu USD.
Với kết quả đó, Trung Quốc hiện đứng thứ ba trong “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam trong quý I năm nay, sau Hàn Quốc và Singapore. Thứ hạng này có thể sẽ thay đổi trong những tháng tới, một khi các dự án quy mô lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản, ví dụ các dự án điện BOT quy mô hàng tỷ USD của Nhật Bản, được cấp chứng nhận đầu tư.
Mặc dù vậy, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư Trung Quốc là điều cần xem xét cẩn trọng.
Thực tế, từ lâu nay, luôn có một nỗi e ngại về chất lượng của dòng vốn này. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc quy mô bình quân của một dự án của Trung Quốc ở Việt Nam chỉ đạt khoảng 6,9 triệu USD, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 13 triệu USD/dự án, là một dấu hiệu cho thấy chất lượng dự án FDI của Trung Quốc “có vấn đề”.
Quan trọng hơn, mối lo lớn nhất đối với các dự án FDI của Trung Quốc là vấn đề công nghệ.
Chọn cách chơi khôn ngoan
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi công bố báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam mới đây đã nhấn mạnh nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác công nghệ cũ” của Trung Quốc. Công nghệ cũ này đến Việt Nam không chỉ thông qua các hoạt động thương mại, mà còn qua cả hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.
Còn chuyên gia Trương Đình Tuyển đã nhắc đến câu chuyện Trung Quốc đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao, nên sẽ tìm cách “đẩy” vốn và công nghệ cũ sang các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam, để lên tiếng cảnh báo.
Điều quan trọng, theo các chuyên gia, với giá nhân công khá rẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, doanh nghiệp Trung Quốc có thể đẩy mạnh sang đầu tư sản xuất ở Việt Nam, coi Việt Nam là “thị trường trung chuyển”.
“Như vậy, không cẩn thận, Việt Nam sẽ xuất hộ Trung Quốc sản phẩm, trong khi phần lớn giá trị gia tăng thì họ được hưởng lợi”, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phân tích.
Rất nhiều cảnh báo như vậy về vốn đầu tư từ Trung Quốc. Và nguy cơ này là có thật, nếu nhìn vào thực trạng công nghệ, thiết bị mà Trung Quốc đã mang sang Việt Nam trong thời gian qua, trong cả các dự án đầu tư của họ, cũng như trong các dự án mà phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Trong hàng loạt dự án ngàn tỷ đồng của Việt Nam, như Gang thép Thái Nguyên 2, Đạm Ninh Bình, Gang thép Lào Cai..., thì cũng hầu hết có sự xuất hiện của thiết bị Trung Quốc, với chất lượng “ai cũng hiểu”.
Vấn đề nằm ở chỗ, cũng giống như đối với thương mại, Việt Nam không thể “không chơi” với Trung Quốc, bởi thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Khi cả thế giới đang phải chơi với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy đó. Vấn đề là chọn cách chơi thế nào cho khôn ngoan và thông minh.
Khi bàn về việc nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định, cần phải thu hút đầu tư có chọn lọc. “Phải lựa chọn những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và ít ô nhiễm môi trường hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Thông điệp và chủ trương này đã luôn được Chính phủ Việt Nam khẳng định. Vấn đề là, cấp thực thi liệu có đủ bình tĩnh và khôn ngoan để nói không với các dự án kém chất lượng.