Doanh nghiệp
FECON hợp tác Corio Generation; Cơm ViệtNam Rice tới châu Âu; Biti’s và Thiên Long thân thêm thân
Khánh An tổng hợp - 02/07/2022 10:35
Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh mới được các doanh nghiệp công bố trong tuần cho thấy, khó khăn trong kinh doanh là xúc tác cho sự năng động của doanh nghiệp.
FECON và Corio Generation ký kết hợp tác trong Dự án điện gió ngoài khơi công suất 500MV tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

FECON bắt tay với Corio Generation phát triển dự án điện gió ngoài khơi 

Hai bên đã cùng ký kết hợp tác trong Dự án điện gió ngoài khơi công suất 500MV tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án điện gió ngoài khơi công suất 500 MW đề xuất tại Vũng Tàu nằm cách bờ biển 25-30km, được kỳ vọng sẽ là một trong số những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn được xây dựng tại Việt Nam, sau khi được cấp phép và phê duyệt.

Theo phân tích của Green Investment Group, sau khi được xây dựng, dự án có thể cung cấp khoảng 1.250 GWh điện sạch và giảm thiểu hơn 600.000 tấn phát thải carbon mỗi năm.

Ông Guillermo Martinez- Navas, Giám đốc cấp cao của Corio Generation chia sẻ: "Với nguồn tài nguyên gió dồi dào, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về điện gió ngoài khơi của Đông Nam Á, cung cấp điện sạch, giá cả phải chăng, cũng như các cơ hội việc làm và kinh tế cho các cộng đồng địa phương"

Ông nói thêm: "Chiến lược của Corio là làm việc và hợp tác với các công ty địa phương có uy tín và năng lực. Do đó, chúng rất vui khi khi ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài Vũng Tàu với FECON – Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng và năng lượng với bề dày kinh nghiệm bao gồm năng lượng điện gió và mặt trời".

Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FECON cũng đồng quan điểm khi chia sẻ về việc hợp tác này. “FECON cũng tin tưởng rằng, dự án sẽ được triển khai với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của Việt Nam", ông nói.

Tập đoàn Corio Generation là doanh nghiệp hoạt động chuyên về lĩnh vực điện gió ngoài khơi, chuyên khai thác năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

FECON là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, xây dựng công nghiệp và đầu tư dự án tại Việt Nam.

Lộc Trời lần đầu xuất khẩu gạo thương hiệu riêng "Cơm ViệtNam Rice" sang châu Âu

Lô hàng gần 500 tấn gạo thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" được giao trong tháng 6/2022, vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7/2022, chủ yếu là gạo thơm.

Lô hàng gần 500 tấn gạo thương hiệu "Cơm ViệtNam Rice" sẽ có mặt tại châu Âu trong tháng 7/2022

Thông tin do Tập đoàn Lộc Trời và công ty thành viên là CTCP Nông sản Lộc Trời công bố.

Hoạt động xuất khẩu lần này đánh dấu một cột mốc lớn trong toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp của tập đoàn, cũng là lần đầu tiên gạo Việt Nam mang thương hiệu riêng xuất khẩu sang thị trường "khó tính" này.

Kể từ tháng 9/2020, Lộc Trời được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn là doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu đơn hàng đầu tiên theo hiệp định EVFTA vừa được ký kết. Lộc Trời đã xuất khẩu khoảng 30.000 tấn gạo sang thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Lộc Trời, chia sẻ: "Số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn, nhưng là bước khởi đầu trong hành trình vạn dặm gạo thương hiệu của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới".

PVTrans sẽ đầu tư mạnh cho đội tàu mới trong năm 2022

Thông tin đưa ra trong Đại hội đồng cổ đông thương niên Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, PVT).

Đại hội đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng - giảm 42,5% so với thực hiện trong năm 2021.

Năm 2022, PVTrans sẽ đầu tư thêm 6 tàu tại công ty mẹ và 17 tàu do các công ty thành viên đầu tư

Trong năm, PVTrans dự kiến dùng 3.298,5 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó, 2.915,5 tỷ đồng đầu tư tàu; 373 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên; và 10 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị.

Cụ thể, Công ty dự kiến đầu tư 1 tàu chở hàng rời khoảng 50.000 - 85.000 DWT, hoặc tàu dầu/hóa chất 10.000 - 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu thô khoảng 100.000 - 120.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu/HC khoảng 10.000 – 25.000 DWT; đầu tư 1 tàu chở dầu MR/LR1 khoảng 20.000 – 75.000 DWT; và đầu tư 2 tàu chở dầu/hóa chất khoảng 10.000 – 25.000 DWT.

Như vậy, ước tính trong năm 2022, PVTrans sẽ đầu tư thêm 6 tàu tại công ty mẹ và dự kiến cho các đơn vị thành viên đầu tư 17 tàu.

Ước tính kế quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, doanh thu 4.100 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ và thực hiện được 63% chỉ tiêu cả năm. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế đạt 500 tỷ đồng, tăng và thực hiện hơn 80% kế hoạch cả năm.

Biti’s và Thiên Long bắt tay hợp tác

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác của Công ty Biti’s và Tập đoàn Thiên Long được diễn ra trong tuần qua tại TP.HCM.

 Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long và bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc điều hành Biti's 

Theo thỏa thuận, từ nay đến hết tháng 12/2022, Thiên Long sẽ bán các sản phẩm văn phòng phẩm tại 10 cửa hàng Biti’s ở nhiều quận/huyện và xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho khách hàng. Tại các cửa hàng Biti’s, khách hàng có thể mua nhiều dòng sản phẩm của Thiên Long bao gồm Dụng cụ học sinh Điểm 10, Dụng cụ mỹ thuật Colokit, Bút viết và các sản phẩm tiện ích TL.  

Trước khi chính thức ký kết hợp tác, Thiên Long đã trưng bày sản phẩm và bán hàng tại 10 cửa hàng của Biti’s tại 9 quận/huyện ở TP.HCM. Hoạt động này nhận những phản hồi tích cực của người tiêu dùng. Dựa vào những tín hiệu tích cực đó, Thiên Long và Biti’s chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác.  

Biti’s và Thiên Long là những doanh nghiệp Việt đầu tiên tham gia thị trường, vào những năm 80 của thế kỷ trước, trong tâm thế của những người mở đường. Đến nay, Biti’s và Thiên Long đã trở thành hai thương hiệu Việt được yêu thích và ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người tiêu dùng Việt.

Cụ thể, Biti’s là thương hiệu lớn trong lĩnh vực giày dép. Tập đoàn Thiên Long đã trở thành doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh văn phòng phẩm số 1 Việt Nam và hàng đầu châu Á. 

Trên cơ sở có nhiều nét tương đồng về lịch sử phát triển, cùng sở hữu vị thế đầu ngành trong nước ở lĩnh vực kinh doanh của riêng mình với dấu ấn đậm nét trong lòng người tiêu dùng Việt, Thiên Long và Biti’s chính thức bắt tay hợp tác.

"Câu chuyện giữa Biti's và Thiên Long là tình bạn đẹp, được gieo mầm từ 40 năm trước giữa nhà sáng lập Thiên Long và nhà sáng lập của Biti's. Tình bạn giữa hai vị doanh nhân và đôi bên doanh nghiệp càng khăng khít theo thời gian với nhiều chân tình đến tận bây giờ. Sự chân tình đó đã dẫn đến kết quả buổi ký kết hôm nay. Đây là mối lương duyên hiếm có của hai doanh nghiệp Việt, đại diện cho chất lượng Việt", bà Vưu Lệ Quyên, Tổng giám đốc điều hành Biti's chia sẻ tại Lễ ký kết.

Đồng quan điểm với người đồng cấp của Biti’s, bà Trần Phương Nga, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long nhận định: "Hai thông điệp của Thiên Long và Biti's ngẫu nhiên mang một ý nghĩa kết nối lớn, đó là "Nâng niu bàn chân Việt" để lan tỏa "Sức mạnh tri thức". Quan hệ thân tình của hai công ty là cơ sở để tạo nên mối quan hệ đối tác bền vững".

SCIC và REE cùng muốn thoái vốn tại công ty nhiệt điện than

SCIC muốn thoái vốn 3 doanh nghiệp nhiệt điện trong năm nay, REE đã có lộ trình thoái vốn khỏi PPC.

Nhiệt điện Phả Lại nằm trong danh sách sẽ thoái vốn của SCIC và REE

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn năm 2022. Trong đó có 3 doanh nghiệp nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND), Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) và Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC).

Các doanh nghiệp này vốn nằm trong danh sách thoái vốn của SCIC các năm trước và cũng từng triển khai bán đấu giá nhưng không thành công.

Đơn cử như Nhiệt điện Hải Phòng, SCIC từng đăng ký bán 45 triệu cổ phiếu, tương đương 9% vốn vào năm 2017 nhưng không bán được cổ phiếu nào, đến năm 2020 tiếp tục tổ chức bán đấu giá trên HNX nhưng hủy bỏ vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Tương tự, cuối năm 2019, SCIC công bố triển khai bán 11,4% vốn (51,4 triệu cổ phiếu) Nhiệt điện Quảng Ninh qua đấu giá tại HNX nhưng bị hủy bỏ vì không có nhà đầu tư đăng ký mua.

Việc đưa 3 doanh nghiệp trên trở lại danh sách thoái vốn năm nay cho thấy tổng công ty sẽ khởi động lại việc thoái vốn nhóm nhiệt điện than.

Không chỉ SCIC mà REE Corporation (HoSE: REE) cũng không giấu kế hoạch thoái vốn khỏi lĩnh vực này để tập trung cho định hướng năng lượng sạch.

Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 diễn ra cuối tháng 3, ông Huỳnh Thanh Hải. Tổng giám đốc REE Corporation cho biết vì định hướng đầu tư năng lượng tái tạo, tập đoàn có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiệt điện và đã có lộ trình bán vốn Nhiệt điện Phả Lại.

Năm trước, REE đã thoái vốn khỏi Nhiệt điện Quảng Ninh, tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,04% xuống 0,98%. Danh mục đầu tư lĩnh vực nhiệt điện than còn Nhiệt điện Ninh Bình (HNX: NBP) với tỷ lệ sở hữu 29,5% và Nhiệt điện Phả Lại với tỷ lệ sở hữu 24,1%.

Báo cáo của EVN, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng điện huy động từ nhiệt điện than đạt 48,12 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 44,2%; thủy điện 30,5 tỷ kWh, chiếm 28%; tuabin khí 12,97 tỷ kWh, chiếm gần 12% và năng lượng tái tạo 16,18 tỷ kWh, chiếm 14,8%.

Nhìn chung, nhiệt điện than vẫn đang đóng góp tỷ trọng huy động điện lớn nhất nhưng giảm dần từ trên 50% năm 2020 xuống 46% năm 2021. Trong khi, năng lượng tái tạo tăng tỷ trọng huy động từ 4,3% lên 11,5%.

Bên cạnh xu hướng giảm dần huy động để bảo vệ môi trường thì nhiệt điện than hơn 1 năm nay còn bị ảnh hưởng bởi giá than tăng cao và khan hiếm, nguồn cung trong nước từ Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc không đáp ứng đủ nhu cầu, các nhà máy phải nhập khẩu với giá cao.

Bối cảnh này cũng khiến cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nhiệt điện than giảm dần thời gian qua. Năm 2021, lợi nhuận Nhiệt điện Phả Lại giảm 79% so với 2020, Nhiệt điện Hải Phòng giảm 69%, Nhiệt điện Quảng Ninh giảm 56%... Quý I năm nay, trong khi lợi nhuận Phả Lại tiếp tục giảm 42% so với cùng kỳ năm trước thì Hải Phòng và Quảng Ninh tăng trưởng trở lại.

Tin liên quan
Tin khác