Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một diễn đàn chính sách xoay quanh quan hệ kinh tế Mỹ - Canada, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, đánh giá rằng mặc dù lạm phát tiếp tục giảm nhưng nó vẫn chưa giảm đủ nhanh và chính sách tiền tệ hiện hành sẽ vẫn được giữ nguyên.
"Dữ liệu mới đây cho thấy sự tăng trưởng vững chắc và sức mạnh của thị trường lao động được duy trì, nhưng kể từ đầu năm đến nay vẫn thiếu những tiến triển mới trong việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà chúng tôi đề ra", người đứng đầu Fed nói.
Nhắc lại những tuyên bố gần đây của các quan chức Fed, ông Powell cho rằng chính sách hiện hành có thể sẽ được giữ nguyên cho đến khi lạm phát tiến gần đến mục tiêu 2%.
Kể từ tháng 7/2023, Fed đã giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 23 năm. Đó là kết quả của 11 đợt tăng lãi suất liên tiếp mà Fed bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2022.
"Dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi sự tự tin cao hơn (để ra quyết định lãi suất - BTV) mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó", Chủ tịch Fed nói.
"Điều đó nói lên rằng, chúng tôi nghĩ chính sách đã được định vị phù hợp để xử lý những rủi ro mà chúng tôi gặp phải", ông Powell nói thêm.
Người đứng đầu Fed cũng khẳng định, cho đến khi lạm phát có nhiều tiến triển hơn, "chúng tôi có thể vẫn duy trì mức hạn chế hiện nay trong khoảng thời gian cần thiết".
Những quan điểm cứng rắn được đưa ra sau khi số liệu lạm phát của Mỹ trong 3 tháng đầu năm cao hơn dự kiến. Theo số liệu mới nhất được công bố tuần trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, cách xa mức đỉnh điểm khoảng 9% được thiết lập giữa năm 2022, nhưng vẫn tăng cao hơn mức lạm phát kể từ tháng 10/2023.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng lên sau phát biểu ngày 16/4 của Chủ tịch Fed. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, một chỉ số đặc biệt nhạy cảm với các động thái lãi suất của Fed, đã nhanh chóng đạt đỉnh 5%, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng 3 điểm cơ bản. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 rung lắc sau phát biểu của Chủ tịch Fed vào ngày 16/4 và nhanh chóng rơi vào vùng tiêu cực trước khi phục hồi.
Ông Powell lưu ý rằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa dùng của Fed - cho thấy tăng 2,8% trong tháng 2 và ít biến động mạnh trong vài tháng qua.
"Chúng tôi đã nói tại [Ủy ban Thị trường Mở Liên bang - cơ quan ấn định chính sách tiền tệ của Fed] rằng chúng tôi cần có niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững ở mức 2% trước khi [điều đó] phù hợp để nới lỏng chính sách", Chủ tịch Fed khẳng định.
"Dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi sự tự tin cao hơn mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó", ông Powell lý giải.
Các thị trường tài chính gần đây đã điều chỉnh kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay. Trước đó vào đầu năm, các nhà giao dịch trên thị trường tương lai quỹ liên bang đã dự đoán Fed sẽ thực hiện 6 hoặc 7 đợt cắt giảm trong năm nay, bắt đầu từ tháng 3. Tuy nhiên, sau khi dữ liệu lạm phát tháng 3 được công bố, họ đã rút lại dự báo thành Fed sẽ chỉ tiến hành 1 hoặc 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong biên bản cuộc họp gần đây nhất, các quan chức của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang nhận định hồi tháng 3 rằng sẽ có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây một số nhà hoạch định chính sách đã lưu ý rằng việc cắt giảm lãi suất còn đang phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và họ chưa cam kết đặt ra các mức cắt giảm.