Ngân hàng - Bảo hiểm
Fed tăng lãi suất: Dè chừng sóng tỷ giá
Thùy Liên - 14/12/2015 08:24
Dưới tác động kép của USD, nhân dân tệ (CNY) và sự căng thẳng sẵn có của thị trường trong nước, diễn biến tỷ giá thời gian tới sẽ rất khó lường, đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

Tỷ giá vẫn căng

Nhiều khả năng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra quyết định tăng lãi suất USD trong phiên họp diễn ra ngày mai (15/12). Hầu hết các chuyên gia trong nước và thế giới đều cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất với USD lên mức 0,25 - 0,5% trong phiên họp này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, yếu tố Fed tăng lãi suất đã “thẩm thấu” vào thị trường từ lâu và đã phản ánh đầy đủ vào tỷ giá hiện tại. Vì vậy, dù Fed đưa ra quyết định tăng lãi suất, tác động đối với thị trường cũng sẽ không lớn.

Diễn biến tỷ giá thời gian tới sẽ rất khó lường . Ảnh: Đức Thanh

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Fed tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể tới CNY. Trong bối cảnh CNY sắp được đưa vào rổ tiền tệ thế giới, việc Mỹ tăng lãi suất USD sẽ khiến CNY mất giá sâu hơn. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là quốc gia Việt Nam nhập siêu nhiều nhất, vì vậy, VND chịu ảnh hưởng nặng nề trong mối quan hệ “tay ba” này.

Thêm vào đó, thị trường ngoại hối trong nước đang có dấu hiệu căng thẳng, tâm lý kỳ vọng tỷ giá vẫn tồn tại. Tất cả những yếu tố trên khiến tỷ giá vẫn là rủi ro lớn nhất mà NHNN cần đề phòng trong những tuần cuối năm 2015 và năm 2016.

TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, lãi suất USD tăng có thể sẽ khiến CNY mất giá 5% trong năm 2016 và đây là áp lực lớn với tỷ giá nước ta. “Không chỉ phá giá, từ tháng 10/2016, khi được quốc tế hóa sâu hơn, CNY cũng sẽ được điều chỉnh linh hoạt hơn, biến động nhiều hơn, điều này cũng sẽ khiến tỷ giá nước ta chịu tác động không nhỏ”, TS. Cấn Văn Lực cảnh báo.

Thực tế, USD đã có dấu hiệu tăng giá khá mạnh trong hơn một tháng nay. Tuy tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng vẫn chưa chạm trần, song theo giới chuyên gia, chi phí mà NHNN bỏ ra để duy trì mức tỷ giá này là rất lớn.

“Thời gian qua, NHNN đã phải bán ra một lượng lớn ngoại tệ để “ghìm” tỷ giá, nhưng tôi cho rằng, tỷ giá sắp tới sẽ chịu nhiều áp lực, nhất là khi Fed tăng lãi suất và CNY quốc tế hóa sâu hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Nên thả nổi tỷ giá hơn nữa?

Ngoài động thái tăng tỷ giá, nới biên độ, bán ngoại tệ can thiệp thị trường, từ đầu năm đến nay, NHNN đã có thêm nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thị trường ngoại hối.

Cụ thể, tháng 10/2015, NHNN đã ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN, siết chặt hơn giao dịch ngoại tệ các tổ chức tín dụng. Đầu tuần này, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 24/2015/TT- NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, theo đó, chỉ gia hạn cho vay ngoại tệ đến tháng 3/2016, thay vì kéo dài đến hết năm như trước.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, dư địa để ổn định tỷ giá của NHNN không còn nhiều. Thêm vào đó, năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế. Bối cảnh này, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, sẽ tạo áp lực lớn lên tỷ giá. “Nhiều khả năng Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái 3 - 5% trong năm 2016”, chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, ngoài điều chỉnh tỷ giá, điều làm giới chuyên gia băn khoăn khuyến nghị là nên chăng, NHNN phải thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá. “Chính sách tỷ giá của Việt Nam thời gian qua được thực hiện rất tốt, nhưng bối cảnh thị trường năm 2016 đã khác. Chúng tôi khuyến nghị, chính sách tỷ giá năm 2016 cần linh hoạt hơn”, TS. Cấn Văn Lực đề nghị.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có chế độ neo tỷ giá trong biên độ (neo tỷ giá trung tâm với một nhóm các đồng tiền khác theo một tỷ lệ cố định và có biên độ dao động; ngân hàng trung ương sẵn sàng can thiệp để duy trì tỷ giá này; ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh tỷ giá trung tâm, nhưng không thường xuyên).

Từ năm 2011 đến nay, chế độ “neo tỷ giá” của NHNN đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp tỷ giá ổn định, tạo niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, có nhiều yếu tố tình cờ tạo nên sự ổn định này. Tuy nhiên, các yếu tố tình cờ đó đang dần mất đi hiệu lực và trong năm 2016, NHNN cần điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

“Thay vì duy trì tỷ giá trung tâm theo một tỷ lệ nhất định, nửa năm mới đột ngột phá giá, nới biên độ thì chúng ta có thể thực hiện theo đúng Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành và điều chỉnh tỷ giá linh hoạt từng ngày. Làm được điều đó sẽ giúp thị trường có cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn”, TS. Đinh Tuấn Minh khuyến cáo.

Cũng theo chuyên gia này, năm 2016, NHNN không nên cam kết một con số “cứng” về mức độ điều chỉnh tỷ giá ở mức 2-3%, vì nếu có tuyên bố thì mức độ khả thi không cao (minh chứng là năm 2015, NHNN tuyên bố chỉ điều chỉnh tỷ giá 2%, nhưng thực tế đã phải điều chỉnh 5%). Ngược lại, việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt theo thị trường, đồng thời giảm trạng thái ngoại hối của các tổ chức tín dụng sẽ càng làm giảm tình trạng đầu cơ. 

Chia sẻ ý kiến này, TS. Nguyễn Thị Thái Hưng (Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng) cho rằng, thực tế cho thấy, không có một cơ chế tỷ giá hối đoái nào là tối ưu trong mọi trường hợp, nhưng chính sách tỷ giá linh hoạt vẫn là phương thức phổ biến được nhiều quốc gia lựa chọn nhất.

Hơn nữa, theo TS. Hưng, Pháp lệnh Ngoại hối và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ đã quy định chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là thả nổi có quản lý. Việc thay đổi cơ chế tỷ giá cố định sang cơ chế thả nổi có quản lý sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam và hỗ trợ cho Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng khuyến cáo, để có thể thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý một cách hiệu quả, Việt Nam cần phải xây dựng một ngân hàng trung ương độc lập và cần phải xây dựng một thị trường ngoại hối hiện đại, minh bạch.

Tin liên quan
Tin khác