Trụ sở Fed tại Washington, D.C. Ảnh: AFP |
Cảnh báo trên được IMF nêu trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế toàn cầu hàng quý. Trong đó, tổ chức này đã hạ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2021, đồng thời hạ dự báo 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP Mỹ được đưa ra hồi tháng 7, xuống còn 6%. Đối với các nền kinh tế phát triển khác, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 5,2%.
Cũng trong báo cáo này, IMF lưu ý Mỹ, Vương quốc Anh, và các nền kinh tế phát triển khác đang đối mặt với rủi ro lạm phát có thể còn gia tăng.
IMF cho biết cơ quan này tán thành với các đánh giá của Fed và nhiều nhà kinh tế rằng giá cả hàng hóa đang tăng cao trên toàn cầu sẽ hạ nhiệt, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn liên quan đến dự đoán này.
"Do chính sách tiền tệ nới lỏng nói chung làm gia tăng lạm phát, nên các ngân hàng trung ương cần chuẩn bị hành động thật nhanh nếu rủi ro lạm phát khiến lộ trình phục hồi trở nên khó đoán", bà Gita Gopinath, cố vấn kinh tế kiêm giám đốc nghiên cứu tại IMF nhận định.
"Các ngân hàng trung ương cần lên kế hoạch cho những hành động ngoài lề, công bố các biện pháp khuyến khích và hành động theo công bố đó", bà Gita Gopinath nói thêm.
Các quan chức Fed cho rằng vũ khí cơ bản để "chiến đấu" với lạm phát là tăng lãi suất. Nhưng đến nay, Fed chưa một lần tăng lãi suất, tính từ năm 2018.
Với tình hình lạm phát đang ở mức cao trong khoảng 30 năm qua, Fed phải đau đầu để cân nhắc thu hẹp chính sách siêu nới lỏng mà cơ quan này đã thực hiện thông qua các gói kích thích tài khóa và chương trình mua vào tài sản quy mô lớn kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020.
Mặc dù IMF không chỉ đích danh Fed, nhưng đánh giá của tổ chức này về lạm phát đã gián tiếp ám chỉ đến việc Fed cần phải có những thay đổi lớn trong chính sách mà cơ quan này áp dụng hồi tháng 9/2020, thời điểm mà Fed cho rằng sẽ sẵn sàng cho lạm phát nóng hơn mức bình thường để đạt được mục tiêu việc làm bao trùm.
Trong khi đó, IMF cho rằng, những kiểu chính sách tiền tệ trên sẽ gây ra những nguy hiểm nếu dự báo lạm phát bắt đầu tăng nhanh.
Fed sử dụng công cụ gọi là "forward guidance" (định hướng thị trường tiền tệ) để vẽ ra trước công chúng một bức tranh sáng sủa về những dự định của họ trong tương lai, cùng với những tiêu chuẩn để làm căn cứ điều chỉnh chính sách. Nhưng IMF cho rằng, truyền thông định hướng mới là vấn đề mấu chốt để nền kinh tế Mỹ tránh được những cú sốc đổ vỡ trước những thay đổi chính sách.
Vốn là người có quan điểm lạm phát sẽ "nguội dần", ông Jamie Dimon, CEO của Ngân hàng thương mại Mỹ JPMorgan Chase đầu tuần này cho biết ông hy vọng các vấn đề chuỗi cung ứng đã khiến giá cả hàng hóa tăng cao trong thời gian qua, sẽ được giải quyết trong năm 2022.
Bức tranh lạm phát Mỹ, nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9 đang được các nhà đầu tư và giới phân tích theo dõi sát sao. Trước đó, một số chuyên gia kinh tế dự đoán giá cả các mặt hàng tiêu dùng thông thường tại Mỹ tăng khoảng 0,3% trong tháng 9, nâng mức tăng một năm qua lên 5,3%.