Đồng Euro tại Dortmund, miền Tây Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN |
Đây là mức lạm phát cao nhất trong 10 năm tại EU. Trong khi đó, tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát giá tiêu dùng đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây lần đầu tiên, lạm phát ở EU đã vượt quá mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) một cách đáng kể. ECB đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2% mỗi năm. Trước những diễn biến hiện tại, các ngân hàng trung ương đã thông báo sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tình hình hiện tại trên toàn EU và Eurozone khác hẳn so với một năm trước, khi làn sóng dịch bệnh COVID-19 đầu tiên tác động mạnh vào nền kinh tế. Tại EU, giá cả trong tháng 8 đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở Eurozone, giá cả thậm chí còn giảm 0,2%. Malta có tỷ lệ lạm phát thấp nhất ở mức 0,4%. Tại Hy Lạp, giá cả tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái và ở Bồ Đào Nha là 1,3%. Giá cả tăng nhanh nhất ở Ba Lan, Litva và Estonia, nơi tỷ lệ lạm phát lên tới 5%. Tại CH Séc, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 ở mức 3,1%, thấp hơn 0,1% so với mức trung bình của EU.
Các nhà kinh tế cảnh báo giá năng lượng tăng cao sẽ đẩy lạm phát tăng trên khắp châu Âu trong năm nay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đe dọa sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của khu vực.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp ba lần trong năm nay trong khi nhu cầu cao điểm vào mùa Đông còn chưa bắt đầu. Công ty Equinor (Na Uy), một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, cho biết giá năng lượng cao có thể kéo dài đến năm 2022 và có thể tăng đột biến.
Chỉ số giá tiêu dùng năng lượng của Eurozone đã tăng 15,4% trong tháng 8, lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1996, khiến tỷ lệ lạm phát của khu vực này tăng lên mức 3%. Con số này cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của ECB. Tuy nhiên, các quan chức ECB và các nhà kinh tế cho biết họ mong đợi sự gia tăng này chỉ là tạm thời do các yếu tố mang tính thời điểm như gián đoạn chuỗi cung ứng khi các nước phát triển phục hồi sau đại dịch.