Các doanh nghiệp Hàn Quốc kỳ vọng gì về FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thưa ông?
Doanh nghiệp Hàn Quốc đã mong đợi Quốc hội Hàn Quốc thông qua FTA này từ lâu, và họ cũng mong Quốc hội Việt Nam sớm có động thái tương tự để Hiệp định có thể có hiệu lực từ năm 2016.
FTA này sẽ giúp tự do hóa nhiều loại hàng hóa của hai nước khi giao thương với nhau. Theo cam kết của Hiệp định, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 95,4% các dòng thuế cho Việt Nam và Việt Nam cũng sẽ cắt giảm thuế quan với 89,2% số dòng thuế cho Hàn Quốc.
Do vậy, FTA này được kỳ vọng sẽ làm tăng kim ngạch thương mại song phương của hai nước, lên mức 70 tỷ USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với mức 28 tỷ USD vào năm 2014 và trên 30 tỷ USD vào năm nay.
Ông Hong Sun, Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam |
Tháng 8/2015, 42 tổ chức kinh doanh của Hàn Quốc đã đề nghị Quốc hội nhanh chóng thông qua FTA này nhằm góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Hàn Quốc. Vậy việc thông qua FTA đầu tuần này có chịu sức ép nào từ các doanh nghiệp Hàn Quốc không?
Việc thông qua FTA chỉ một phần do sức ép của doanh nghiệp, còn phần lớn là do lợi ích của nền kinh tế Hàn Quốc. FTA này không phục vụ lợi ích của một hay một nhóm doanh nghiệp nào cả, mà sẽ đem lại lợi ích chung cho cả nền kinh tế Hàn Quốc.
Chúng tôi đã rất mừng khi FTA này được quốc hội Hàn Quốc phê duyệt. Đây là FTA song phương thứ ba của Hàn Quốc (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và được coi là thành tựu nổi bật của Hàn Quốc. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của nước này.
Theo cam kết FTA giữa hai nước, Việt Nam cũng là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nhạy cảm với nước này như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao, từ 241-420%). Ông đánh giá thế nào về động thái này của phía Hàn Quốc?
Chính phủ và người dân Hàn Quốc rất quý mến đất nước và con người Việt Nam. Hàn Quốc cũng rất thiếu nông sản và phải nhập khẩu. Nông sản Việt Nam có chất lượng tốt, nên chúng tôi ưu tiên đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng này từ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, các tiêu chuẩn của Hàn Quốc đối với các mặt hàng nông sản cực kỳ phức tạp, với nhiều thủ tục chặt chẽ. Yêu cầu của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch rất khắt khe. Tôi hy vọng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu này. Họ nên hợp tác với một số chuyên gia, hoặc các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản của Hàn Quốc để nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Theo lộ trình FTA này, Hàn Quốc đang mở cửa dần cho các hàng hóa Việt Nam. Và nếu Việt Nam không chuẩn bị kỹ thì sẽ mất cơ hội.
Nếu FTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam?
Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số hơn 43,63 tỷ USD. Tốc độ và quy mô đầu tư của Hàn Quốc tại đây đang ngày càng tăng mạnh.
FTA này, với mức giảm thuế mạnh cho nhiều dòng sản phẩm, sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ Hàn Quốc hơn. Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, sẽ sản xuất trực tiếp tại Việt Nam. Họ đang cảm thấy rất yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam.
Một số nước phương Tây rất cởi mở khi kêu gọi đầu tư từ Hàn Quốc, nhưng sau đó lại lại gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc. Nhưng chúng tôi tin rằng, Chính phủ Việt Nam sẽ không làm như vậy.