Các kết luận áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được chính thức thông qua vào ngày 31/10. Ảnh: AFP |
Đây là nội dung quan trọng trong dự thảo kết luận của Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài 2 ngày tại Rome (Italia) mà hãng tin Reuters có được. Theo đó, thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực vào năm 2023.
"Chúng tôi kêu gọi thiết lập Khuôn khổ bao trùm của OECD/G20 về xói mòn cơ sở tính thuế và dịch chuyển lợi nhuận để nhanh chóng đề ra các quy tắc chuẩn mực và các công cụ đa phương như đã thống nhất trong Kế hoạch thực hiện chi tiết, nhằm đảm bảo rằng các quy tắc mới sẽ có hiệu lực ở cấp độ toàn cầu trong 2023", dự thảo kết luận Hội nghị thượng đỉnh G20 nêu.
Các kết luận của Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được chính thức thông qua vào ngày mai 31/10.
Kế hoạch cải cách thuế của OECD nhằm giải quyết 2 mục tiêu quan trọng nhằm đối phó với các công ty đa quốc gia, đặc biệt là các công ty công nghệ. Thứ nhất, cho phép các quốc gia đánh thuế một phần lợi nhuận do các công ty lớn thu được ở quốc gia đó dựa trên cơ sở doanh thu phát sinh, thay vì lấy nơi đặt trụ sở của công ty đó để áp thuế. Thứ hai, đặt ra một mức thuế suất thuế doanh nghiệp tối thiểu trên thu nhập toàn cầu.
Trong tháng này, 136 quốc gia đã nhất trí áp dụng mức thuế tối thiểu đối với các tập đoàn toàn cầu, bao gồm cả những "gã khổng lồ" công nghệ internet như Google, Amazon, Facebook, Microsoft và Apple, nhằm tránh việc các tập đoàn này chọn đặt văn phòng ở nơi có thuế suất thấp.
Trước đó, vào tháng 7/2021 các bộ trưởng tài chính G20 đã nhất trí áp mức thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu là 15% và điều chỉnh một số sắc thuế để phù hợp với nền kinh tế số hiện đại. Động thái này được cho là thúc đẩy ưu tiên chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước có thuế suất thấp hơn.
Theo thỏa thuận, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có doanh thu hơn 890 triệu USD. Cách đánh thuế cũng được điều chỉnh để buộc các tập đoàn đa quốc gia trong diện chịu thuế phải nộp thuế ngay tại các quốc gia nơi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ được bán ra, thay vì nộp thuế tại nơi họ đặt trụ sở chính.
Các công ty đa quốc gia có doanh thu hơn 23,8 tỷ USD, ngoại trừ các công ty tài chính và "công ty hoạt động trong ngành công nghiệp khai thác" như dầu khí, sẽ phải nộp thuế từ 20% đến 30% của phần lợi nhuận vượt trên biên độ 10% cho quốc gia nơi bán sản phẩm hoặc dịch vụ của họ được bán ra.
Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ thu được ít thuế hơn từ Google và Apple, nhưng sẽ thu nhiều thuế hơn đối với số tiền mà Samsung và Volkswagen kiếm được từ việc bán hàng cho người Mỹ.
"Đây không chỉ là một thỏa thuận về thuế mà còn là việc định hình lại các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ bình luận với báo giới.