Các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung cần đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm |
Chất lượng chưa đồng đều
Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến gạch không nung chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường chính là câu hỏi từ chất lượng sản phẩm này.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, gạch không nung đã xuất hiện nhiều ở các địa phương như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình… nhưng người tiêu dùng mua chủ yếu để xây tường rào hay các công trình phụ. Còn xây dựng nhà, các công trình chính kiên cố, vẫn sử dụng gạch đất nung là chính.
Trao đổi với phóng viên, anh Công (Thái Thụy, Thái Bình), đang tiến hành hoàn thiện căn nhà kiểu Thái rộng hơn 100 m2 của mình cho biết: “Thái Bình là địa phương không có núi đá, nên chúng tôi xây dựng chủ yếu bằng gạch nung từ xưa đến nay. Tất cả các công trình kiên cố, nhà cửa, gạch nung vẫn là lựa chọn số một, bởi chất lượng luôn đồng đều, tiện lợi trong lúc xây công trình, hơn hẳn gạch không nung”.
Tương tự, anh Quý (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vừa hoàn thiện căn nhà 3 tầng cũng cho biết, tích cóp cả đời mới xây dựng được căn nhà kiên cố, tâm lý ai cũng muốn nó vững chắc, nên việc lựa chọn vật liệu xây dựng cũng quan trọng. Do đó, gạch nung vẫn là lựa chọn tối ưu tiên của người dân trong xây dựng. Thậm chí, nhà nào có điều kiện còn mua gạch nung về xây tường rào, công trình phụ thay thế gạch không nung.
“Với loại gạch không nung, các cửa hàng vật liệu trên địa bàn huyện chủ yếu nhập từ Hoàng Mai (Nghệ An), nhưng chất lượng không đồng đều, dễ thấm nước, thậm chí là đập nhẹ đã rã nát và khi xây thường bị nứt. Do đó, với loại sản phẩm này, đa số chúng tôi sử dụng xây công trình phụ thay đá. Nếu có sử dụng gạch không nung, chúng tôi vẫn phải đặt hàng theo yêu cầu mới yên tâm”, anh Quý cho biết thêm.
Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội hiện có nhiều công trình vốn nhà nước sử dụng 100% gạch không nung như Công trình Trường tiểu học Kim Giang, Trường tiểu học Khương Đình, Trường mầm non Nguyễn Tuân, công trình sửa chữa, cải tạo Nhà văn hóa phường Phương Liệt, công trình Nhà văn hóa phường Kim Giang (đều ở quận Thanh Xuân)...
Tại công trình Trường tiểu học Kim Giang, hiện đã xây đến tầng 4, gần xong phần thô. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, gạch không nung được tập kết ở công trường thi công công trình này có ghi nhãn Vinh Phat Trading And Civil Construction Company Limited (Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và thương mại Vinh Phát).
Tuy nhiên, tại các công trình trên, Báo Xây dựng đã phối hợp với nhà thầy thi công cùng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) mang sản phẩm gạch không nung đi kiểm nghiệm về chất lượng và đều cho thấy chỉ số kém.
Một văn bản cho thấy gạch không nung sử dụng tại một số công trình đầu tư công ở quận Thanh Xuân, Hà Nội không đạt tiêu chuẩn về “Độ thấm nước” |
Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm số 3123/VLXD-TTKĐ cho thấy: Đối với công trình Nhà văn hóa Phương Liệt có chỉ tiêu thử nghiệm “Độ thấm nước” không phù hợp với yêu cầu quy định cho gạch bê tông theo QCVN16: 2017/BXD (TCVN 6477: 2016).
Tương tự, mẫu GKN CV 105 (220x105x60) được sử dụng tại Trường tiểu học Kim Giang cũng được đánh giá là: Có chỉ tiêu thử nghiệm “Độ thấm nước” không phù hợp với yêu cầu quy định cho gạch bê tông theo QCVN16: 2017/BXD (TCVN 6477: 2016).
Theo chia sẻ của một số chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội, khi dùng gạch không nung trong xây dựng, điểm yếu là độ cứng thấp và có vấn đề chống thấm. Bởi loại gạch này rất dễ thấm nước, nhưng thoát lại rất lâu, nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trong khi khí hậu miền Bắc lại bất lợi khi dùng gạch không nung, nên các chủ đầu tư này vẫn sử dụng gạch nung là chủ yếu.
Lý giải về những hạn chế này, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, nhiều nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn hạn chế nên phần lớn chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Cùng đó, việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt nên vẫn còn hạn chế về chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, tại nhiều cơ sở sản xuất, đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo. Có những nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất.
Cần nhóm giải pháp đồng bộ
Theo nguyên tắc thị trường, một sản phẩm có chất lượng tốt, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, thì dù đắt vẫn được khách hàng lựa chọn và chính người tiêu dùng là người quyết định chỗ đứng của một sản phẩm trên thị trường.
Cụ thể, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Minh, Phó phòng Quản lý truyền thông, Công ty Phúc Hà Group cho biết, Công ty đã sử dụng gạch không nung trong các dự án của mình, nhưng trong quá trình sử dụng bộc lộ yếu điểm về việc thấm nước, nên tòa T3 Thăng Long Victory, Công ty đã chọn gạch nung trong thi công.
“Nếu so sánh thì gạch không nung có nhiều lợi thế hơn, nhưng khi lựa chọn, đa số chủ đầu tư sẽ chọn gạch nung do điểm cốt yếu vẫn là vấn đề thấm nước, chất lượng vật liệu xây. Chính vì vậy, các nhà sản xuất gạch không nung cần phải cái tiến về chất lượng để phù hợp với điều kiên khí hậu. Khi chất lượng đạt, mà giá thành lại rẻ, thì đương nhiên sản phẩm sẽ được tin tưởng sử dụng ngay”, ông Minh nói.
Tương tự, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam) cũng cho biết, trong quá trình thiết kế công trình, ông thường tư vấn luôn vật liệu cho chủ đầu tư và gạch không nung là xu hướng của sự phát triển. Tuy nhiên, loại vật liệu này lại bộc lộ những hạn chế cố hữu như hay nứt, vấn đề thấm nước…, nên phần đa khách hàng vẫn lựa chọn gạch đất nung.
Chính vì vậy, để tìm được chỗ đứng trên thị trường, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung cần phải huy động nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng công tác đạo tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm chủ công nghệ trong sản xuất…
Ông Phạm Văn Bắc cho rằng, để hạn chế gạch nung, đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về kỹ thuật như: Nghiên cứu, soát xét và bổ sung các văn bản về hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng; tăng cường chỉ đạo khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung bằng các chính sách thuế môi trường về sản xuất gạch nung, thuế khai thác và sử dụng đất sét làm gạch nung.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu để xử lý, đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại về chất lượng đối với các chủng loại vật liệu xây không nung hiện tại và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm vật liệu không nung mới chất lượng cao…
Đồng thời, xây dựng ban hành Chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu khối xây bằng gạch bê tông” và các chỉ dẫn kỹ thuật liên quan; Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thiết kế công trình sử dụng vật liệu xây không nung đối với gạch bê tông và gạch nhẹ, sổ tay thiết kế chi tiết điển hình dùng cho gạch nhẹ; soát sét, xây dựng lại định mức sử dụng vật liệu xây không nung phù hợp với điều kiện thực tế…