Theo báo cáo mới đây của Kho bạc Nhà nước TP.HCM gửi Sở Tài chính, trong tổng số dư tạm ứng tính đến ngày 30/6/2024, có 125 dự án với số dư tạm ứng quá hạn là 1.666 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,16% tổng số vốn tạm ứng, giảm nhẹ so với số dư tạm ứng quá hạn đầu năm 2024 (1.687 tỷ đồng).
Đã gần 20 năm trôi qua, số tiền tạm ứng để giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao TP.HCM vẫn chưa thu hồi được - Ảnh: Lê Quân |
Trong số 125 dự án có vốn tạm ứng quá hạn thì 3 dự án có vốn tạm ứng lớn nhất là xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài; cầu Thủ Thiêm; giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao.
Trong đó, Dự án xây dựng đường Lê Thánh Tôn nối dài do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư tạm ứng 463 tỷ đồng.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư tạm ứng 118 tỷ đồng.
Dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư - Khu Công nghệ cao (Quận 9-nay là TP.Thủ Đức) do Ban Quản lý các dự án đầu tư - xây dựng Khu công nghệ cao TP.HCM làm Chủ đầu tư tạm ứng 634 tỷ đồng.
Ba dự án nói trên, trước đây thực hiện tạm ứng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM với tổng số tiền tạm ứng là 1.215 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 72% trong tổng số dư tạm ứng quá hạn.
Kể từ thời điểm tạm ứng đến nay đã kéo dài gần 20 năm, song các chủ đầu tư vẫn chưa có biện pháp thu hồi số vốn tạm ứng tại 3 dự án này.
Theo đánh giá của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, đa số các dự án có khoản tạm ứng để chi cho bồi thường, hỗ trợ tái định cư, song chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức về các mốc thời gian để hoàn trả về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại Kho bạc, để hoàn trả ngân sách đối với trường hợp không chi trả được cho người thụ hưởng.
Hơn nữa, nhiều chủ đâu tư chưa thực hiện nghiêm quy định lập báo cáo đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo từng dự án gửi Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP chưa quy định mẫu biểu thống nhất dẫn đến khó khăn trong công tác báo cáo của chủ đầu tư cũng như công tác quản lý, theo dõi tổng hợp tại Kho bạc.
Tại các dự án bị đình hoãn, nhà thầu giải thể, chủ đầu tư không liên lạc được với nhà thầu hoặc chủ đầu tư đã sáp nhập vẫn chưa được giải quyết.
Trước tình hình khó thu hồi vốn tạm ứng, ngày 21/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản số 4791/UBND-DA yêu cầu chấn chỉnh tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Trong đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, đối với các khoản tạm ứng quá hạn, các Sở, ngành rà soát, đánh giá cụ thể nguyên nhân từng khoản tạm ứng quá hạn; xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân phải hoàn ứng.
Từ đó đề xuất phương án xử lý triệt để và quyết liệt thực hiện, đảm bảo thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa, chuyển cơ quan thanh tra, công an.
Trường hợp nhà thầu, đơn vị cung ứng không có thiện chí phối hợp xử lý các khoản tạm ứng quá hạn, chủ đầu tư khẩn trương báo cáo cơ quan cấp trên của chủ đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố không cho các nhà thầu này tham gia thực hiện các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố.