Trao đổi với phóng viên báo Đầu tư Online – baodautu.vn tại sự kiện này, ông Vũ Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết, dự kiến ngày 20/5 tới trên sàn thương mại điện tử này sẽ có “Ngày làng dừa Bến Tre”.
khai mạc chuỗi các hoạt động kết nối cung cầu, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre tại TP.HCM |
Theo ông Tuấn, đây là lần đầu đơn vị này triển khai chương trình đưa thương mại điện tử về vùng nông thôn. Lý do là bởi, có tới 70% khách hàng của thương mại điện tử là ở khu vực đô thị như TP.HCM, Hà Nội…song lại có tới 70% người dân sống ở khu vực nông thôn. Do đó, cần có sự kết nối 2 khu vực này với nhau.
“Hiện đã có khoảng 300 đầu sản phẩm đã đăng ký bán trên lazada, trong đó, phần lớn là các sản phẩm từ dừa do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Bến Tre nghiên cứu và làm ra”, ông Tuấn thông tin và cho biết, sàn này đang chạy tổng lực các hoạt động để quảng bá, hỗ trợ chương trình này như điều hướng sự theo dõi của khách hàng về các sản phẩm dừa Bến Tre, các chương trình khuyến mãi, các hoạt động tiếp thị…
Đại diện của Lazada nhìn nhận, việc đưa thương mại điện tử về khu vực nông thôn là không dễ. Ngoài yếu tố chi phí logistics cao vì khoảng cách khá xa từ nhà cung cấp đến khách hàng thì ngay với các chủ gian hàng để làm thay đổi thói quen phải check email hàng ngày, đảm bảo về thời gian giao hàng, cách chăm sóc khách hàng…cũng không thể làm trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, đại diện Lazada cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho các chủ gian hàng và đồng hành với các sản phẩm dừa Bến Tre.
Sản thương mại điện tử này có kế hoạch mỗi quý một lần sẽ có 1 ngày giới thiệu các đặc sản của các địa phương. Trước mắt, trong thời gian tới là các đặc sản của Đồng Tháp, An Giang…
Bưởi da xanh Bến Tre đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý |
Ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, đạt trên 72.000 ha, sản lượng đạt gần 615.500 tấn trái/năm, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2018 đạt hơn 215 triệu USD (chiếm hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Sản phẩm từ dừa được xuất khẩu đến hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: dầu dừa tinh luyện, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, mụn dừa, thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa …
Trong những năm qua, Sở Công Thương Bến Tre cũng đã tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia các chương trình kết nối cung cầu tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng,…để mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa với hệ thống phân phối, khai thác tiềm năng của địa phương và đưa sản phẩm hàng hóa đến với người tiêu dùng.
Liên quan đến việc kết nối với các siêu thị, bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, Bến Tre cần có những buổi huấn luyện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để họ nắm được các yêu cầu, thủ tục và nhất là các tiêu chí về sản phẩm, hàng hóa đưa vào siêu thị. Đại diện của ITPC cho biết, sẵn sàng hỗ trợ Bến Tre trong tổ chức các khóa huấn luyện cũng như đưa hàng hóa vào chuỗi siêu thị Aeon, BigC…
Sự kiện diễn ra từ ngày 17/5 đến ngày 19/5 tại Trung tâm Thương mại The Garden Mall (Quận 5, TP.HCM) do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sunny World và Công ty cổ phần dấu ấn Việt Nam tổ chức với mong muốn tăng cường mở rộng, giao lưu kinh tế, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, làng nghề truyền thống, tiềm năng du lịch cùng với vẻ đẹp văn hoá, nghệ thuật của Bến Tre đến với người dân tại TP.HCM. Thông qua đó mời gọi tham gia các dự án hợp tác đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các “start-up” trẻ khởi nghiệp từ giá trị của những sản vật quê hương…