Doanh nghiệp
Gần 3,15 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ
Thế Hải - 16/04/2018 16:31
Quý I/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 3,15 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2017.
Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ trong quý 1/2018 tăng 13,2% so với cùng kỳ, đạt gần 3,2 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý I năm 2018 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 8 tỷ USD, tăng trưởng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các thị trường xuất khẩu, thì xuất khẩu tới Nhật Bản và Trung Quốc tăng rất khá, đều trên 25%. Xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng đạt hơn 13%.

Các doanh nghiệp cho rằng, việc đẩy mạnh xuất khẩu sợi tới thị trường Trung Quốc cùng việc Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP đã mang lại kết quả khả quan cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.

Trong quý 1/2018, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt gần 3,15 tỷ USD,  tăng 13,2%, là mức tăng trưởng cao trong 3 năm trở lại đây.

Nếu quý 1/2016 xuất khẩu dệt may sang Mỹ đạt 2,584 tỷ USD, quý 1/2017 đạt 2,770 tỷ USD, thì đã tăng lên gần 3,2 tỷ USD trong quý 1 năm nay.

Kinh tế Mỹ khởi sắc trong quý IV/2017 với các số liệu về thị trường việc làm khả quan, thu nhập người lao động tăng, cùng cảm ứng thị trường tiêu dùng khá tốt, đã kéo theo mức tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Quý I/2018, kim ngạch nhập khẩu may mặc thị trường Mỹ ước đạt 25,29 tỷ USD, tăng 4,15% so với cùng kỳ 2017. Đây là chỉ dấu khá tốt khi quý I/2017 trước đó đã giảm 3,89% so với cùng kỳ 2016.

Sự tăng trưởng trở lại của thị trường kinh tế Mỹ khiến tình hình nhập khẩu hàng may mặc khởi sắc. Trong các nước xuất khẩu lớn nhất tới Mỹ trong quý này, nhập khẩu của Mỹ từ Campuchia, Mexico tăng nhanh và mạnh mẽ nhất. Theo sau là Việt Nam và Ấn Độ.

Số liệu nhập khẩu dệt may 2 tháng 2018 từ Mỹ cho thấy, với tỷ lệ 36,63%, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất hàng dệt may vào Mỹ trong năm, tiếp theo là Việt Nam với tỷ lệ 11,53%.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) dự báo, việc Mỹ khơi mào chiến tranh thương mại với Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018.

Nếu như sắp tới hàng dệt may từ Trung Quốc bị đưa vào “tầm ngắm” của Mỹ, thì những nước đang trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi. Sát sườn nhất là Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh giá rẻ khác như Campuchia, Bangladesh. Ngoài ra, Mexico, một đối tác láng giềng với Mỹ cũng có thể được hưởng lợi.

Bằng chứng cho thấy nhập khẩu dệt may từ Mexico đã được khôi phục lại đà tăng trong quý I/2018. Ngoài ra, khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc bị đe dọa, không loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, chi phí thương mại. Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp Hongkong, Trung Quốc và Đài Loan.

VITAS dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong năm 2018 có thể mang về 13.838 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác