Thời sự
Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ: Doanh nghiệp chủ động trước chính sách mới
Hà Nguyễn - 07/02/2018 08:44
Các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu của Việt Nam. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành đánh giá tác động của luật thuế mới của Mỹ đối với kinh tế nước ta.

Dè chừng chính sách mới

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump thông qua hàng loạt chính sách thuế mới, cũng như tiếp tục bảo hộ hàng sản xuất trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ… tiếp tục được các chuyên gia cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, trong đó có đầu tư và xuất khẩu. Trong khi đầu tư có thể chưa bị ảnh hưởng nhiều, do đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam chưa lớn, thì thương mại Việt - Mỹ có thể chịu ảnh hưởng đáng kể.

Việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu giảm thiểu ảnh hưởng từ bên ngoài. Ảnh: Đức Thanh

Trên thực tế, những tác động này không chỉ đến từ việc Mỹ quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%, mà còn từ nguy cơ có một “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung, khi mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang có nhiều chính sách nhắm vào Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, hàng xuất khẩu của Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ bị… vạ lây.

“Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nguyên liệu đầu vào nhập khẩu lớn từ Trung Quốc sẽ dễ bị phía Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận và cho rằng, các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như thủy sản, dệt may, da giày, thép… sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Điều này cũng đã được Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhắc tới trong một báo cáo gửi Chính phủ về vấn đề này. Đó là lý do khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã chỉ đạo các bộ, ngành theo dõi phản ứng chính sách của các nước trên thế giới khi Mỹ thực hiện luật cải cách thuế mới, đánh giá tác động đến Việt Nam để kịp thời có phản ứng thích hợp.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc để có cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp khi Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm này.

Cẩn trọng trong “cuộc chơi mới”

Thương mại Việt - Mỹ vẫn đang có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, có một thực tế rất rõ ràng, dù phía Mỹ đang nhắm vào những “ông lớn”, nhưng Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng không nhỏ bởi xu hướng bảo hộ thương mại này.

Tác động này không chỉ đến từ việc Mỹ quyết định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn từ nguy cơ có một “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung.

Năm ngoái, Mỹ quyết định kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra xuất khẩu của Việt Nam tới 5 năm, bất chấp Việt Nam cho rằng điều này là vô lý. “Cuộc chiến” dai dẳng nhiều năm đối với cá da trơn Việt - Mỹ vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó, đầu tháng 11/2017, Mỹ lại chính thức công bố áp thuế chống bán phá giá đối với tủ đựng dụng cụ nhập từ Việt Nam, với mức thuế mà phía Việt Nam phải chịu lên đến 230%, thậm chí còn cao hơn mức 90,4 - 168,93% mà doanh nghiệp Trung Quốc phải chịu.

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2017, Mỹ tiếp tục công bố sẽ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm tôn mạ sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%, trong khi thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.

“Đối với những nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép xuất khẩu vào Mỹ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà nguồn gốc không phải từ Trung Quốc”, thông cáo từ Bộ Thương mại Mỹ đã cho biết.

Năm ngoái, Mỹ cũng đã bắt đầu hai vụ kiện phòng vệ thương mại đối với máy giặt và pin năng lượng mặt trời nhập khẩu vào Mỹ. Đầu năm 2018, Mỹ đã chính thức áp mức thuế phòng vệ thương mại đối với hai mặt hàng này. Việt Nam cũng là một bên liên quan và chịu tác động không nhỏ.

Liên tục các cuộc chiến phòng vệ thương mại như vậy đã xảy ra và rõ ràng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, bởi thực tế, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng dệt may, thép nguyên liệu… đều có một tỷ lệ khá lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh khó tránh các biện pháp phòng vệ thương mại như vậy, Việt Nam phải làm gì? Các chuyên gia khẳng định, trước mắt, phải chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, chí ít là không phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giả sử Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, với khả năng có Mỹ tham gia, thì để có thể hưởng lợi từ hiệp định này, Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng, hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ không có xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc. Đó là điều cũng là được nhắc tới ngay từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt đầu được đàm phán, chứ không phải bây giờ.

Và dù trong bất cứ trường hợp nào, việc chủ động nguyên vật liệu đầu vào cũng sẽ đảm bảo mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác