Mượn kit xét nghiệm sử dụng trước, hợp thức thủ tục đấu thầu sau
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án liên quan tới các vi phạm xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, tỉnh, thành phố liên quan. Trong vụ án này, số tiền thiệt hại do các vi phạm quy định về đấu thầu mua kit xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch được xác định là hơn 402 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, đơn vị này đã trực tiếp hoặc thông qua Công ty Phan Anh để mua 314.904 kit xét nghiệm của Công ty Việt Á theo 11 hợp đồng, với giá trị hơn 150 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng xác định, số tiền Nhà nước thiệt hại tại các gói thầu trên là gần 105 tỷ đồng. Số tiền trục lợi được trích lại cho Công ty Phan Anh gần 45 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp này cũng “lại quả” cho cựu Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn 2 sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ đồng.
Công ty Việt Á cũng bị tuyên còn phải bồi thường hơn 32,2 tỷ đồng cho Học viện Quân y, sau khi đã nộp khắc phục một phần hậu quả của vụ án.
Tại Bình Dương, khi Covid-19 bùng phát, CDC tỉnh Bình Dương đang sử dụng kit xét nghiệm của hãng Roche và test tách chiết của Công ty VNDAT. Tuy nhiên, sau đó, đơn vị này đã thực hiện chủ trương mượn kit xét nghiệm, vật tư của Công ty Việt Á để sử dụng phòng, chống dịch trước, sau đó hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh quyết toán, với giá do công ty này đề nghị.
Cựu Giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh đã chỉ đạo các nhân viên liên hệ, phối hợp với nhân viên Công ty Việt Á, Công ty VNDAT hoàn thiện, hợp thức hồ sơ, thủ tục đấu thầu, thẩm định giá để Công ty Việt Á trúng thầu 7 gói thầu, theo giá các doanh nghiệp này đưa ra, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 55,7 tỷ đồng.
Khai nhận trước Hội đồng Xét xử, bị cáo Nguyễn Thành Danh thừa nhận, bản thân bị xét xử về tội “vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng người, đúng tội. Bị cáo này cho biết, lý do tạm ứng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và Công ty VNDAT để sử dụng trước, rồi hợp thức thanh toán sau, thông qua 5 gói thầu và 7 hợp đồng là thực hiện chỉ đạo từ Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Tại tỉnh Nghệ An, cựu Giám đốc CDC Nguyễn Văn Định và cựu Kế toán trưởng Nguyễn Thị Hồng Thắm bị cáo buộc đã thông đồng với Công ty Việt Á để ứng trước kit xét nghiệm và trang thiết bị y tế khác, sau đó hợp thức.
Nguyễn Văn Định chỉ đạo Thắm và các nhân viên hợp thức thủ tục đấu thầu bằng cách chuyển danh mục, thông số kỹ thuật cho nhân viên Công ty Việt Á để làm hồ sơ thầu; lấy các báo giá hợp thức chuyển cho công ty thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định giá theo giá Công ty Việt Á đưa ra, trái quy định của pháp luật.
Kết quả, Công ty Việt Á đã trúng nhiều gói thầu cung cấp kit xét nghiệm và thiết bị y tế không đúng quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 16,5 tỷ đồng.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Định, CDC Nghệ An đã ký 5 hợp đồng với Công ty Việt Á và đã thực hiện được 4 hợp đồng, đến hợp đồng thứ 5 thì Phan Quốc Việt bị bắt; ngoài ra, khi mượn kit và thanh toán hợp đồng, cũng không thỏa thuận gì và không biết thông tin sẽ có tiền phần trăm.
Tại các gói thầu này, sau khi nhận được tiền thanh toán theo hợp đồng, Công ty Việt Á đã trích “hoa hồng” lên tới 15% cho CDC Nghệ An thông qua kế toán Nguyễn Thị Hồng Thắm.
Kê biên, phong tỏa tài sản trị giá gần 500 tỷ đồng liên quan “ông trùm” Việt Á
Trong phần khai báo của mình liên quan tới việc sử dụng số tiền đã trục lợi từ hoạt động sản xuất, bán thương mại kit xét nghiệm cho các đơn vị, địa phương, Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á nói “không nhớ hết” số tiền đã chi và còn lại bao nhiêu.
Hội đồng Xét xử đã công bố thông tin về các tài sản liên quan tới bị cáo Phan Quốc Việt bị kê biên, phong tỏa, trong đó có 3 tài khoản ngân hàng, 55 sổ tiết kiệm đứng tên bị cáo, với tổng số tiền hơn 320 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm đứng tên mẹ bị cáo Việt, với tổng số tiền 142 tỷ đồng và 2 sổ tiết kiệm đứng tên con bị cáo này, trị giá 20 tỷ đồng.
Trình bày về số tiền trên, Phan Quốc Việt khẳng định, sẽ sử dụng hết các tài sản mà mình có, để khắc phục thiệt hại của vụ án đã gây ra.
Với vai trò là Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ của Phan Quốc Việt) cũng khẳng định, bản thân và Công ty sẽ cố gắng khắc phục trên tinh thần “hết sức có thể”.
Tuy nhiên, bị cáo Việt cho rằng, 142 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đứng tên mẹ không phải là tiền của mình. Đây là số tiền bị cáo trả nợ, do trước đó đã nhiều lần vay mượn, nhờ gia đình trợ giúp.