Tại thời điểm ngày 30/6/2019, quy mô đầu tư tài chính dài hạn của Gemadept lên tới 2.661 tỷ đồng. |
Lợi nhuận 6 tháng sụt giảm mạnh
Theo kết quả kinh doanh quý II/2019, doanh thu của Gemadept có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, với giá trị đạt 668,3 tỷ đồng, tăng 11,9% so với quý II/2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty này trong quý II năm nay chỉ đạt 201,6 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ quý II/2019 chỉ đạt 169,4 tỷ đồng, giảm tới 35% so với cùng kỳ. Theo giải thích của ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thông thường vẫn tăng, nhưng lợi nhuận từ chuyển nhượng các khoản đầu tư giảm 63,1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi ích của cổ đông không kiểm soát tăng thêm hơn 46,9 tỷ đồng cũng làm giảm lợi ích của cổ đông công ty mẹ Gemadept.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Gemadept đạt tổng doanh thu 1.297,2 tỷ đồng, xấp xỉ kết quả 6 tháng đầu năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 347,8 tỷ đồng, giảm mạnh tới 77,6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ còn giảm mạnh hơn, chỉ đạt 289 tỷ đồng, giảm 81%.
Lợi nhuận sụt giảm mạnh, nhưng bù lại, trong nửa đầu năm 2019, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của đại gia ngành logistics này vẫn dương 460,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số dương 195 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh đầu tư tài sản cố định với giá trị cho hoạt động này nửa đầu năm 2019 là 118,4 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ năm trước.
Tiền chi góp vốn vào đơn vị khác cũng giảm mạnh 58%, còn 96,8 tỷ đồng. Tuy nhiều khoản đầu tư đã được cắt giảm, nhưng dòng tiền đầu tư nửa đầu năm nay vẫn âm 99,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương tới gần 943 tỷ đồng. Lý do là năm trước, Gemadept đã thực hiện thoái vốn khá mạnh mẽ với tổng số tiền thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác trong 6 tháng đầu năm 2018 lên tới hơn 1.800 tỷ đồng.
Vẫn còn gánh nặng đầu tư tài chính
Mặc dù đã rút vốn khá nhiều từ năm 2018, nhưng quy mô đầu tư tài chính của Gemadept đến nay vẫn còn khá lớn. Tại thời điểm ngày 30/6/2019, quy mô đầu tư tài chính dài hạn của công ty này lên tới 2.661 tỷ đồng.
Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết có giá trị 2.435 tỷ đồng, nhiều công ty trong số này là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có liên quan đến hoạt động của Gemadept, nhưng cũng khá nhiều khoản đầu tư phát sinh thua lỗ kể từ khi Gemadept đầu tư. Chẳng hạn như khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Liên hiệp thực phẩm thua lỗ hơn 21 tỷ đồng, tại Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Teminal Link thua lỗ 131,4 tỷ đồng, tại Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding thua lỗ 2,18 tỷ đồng, tại một số công ty khác thua lỗ 19,8 tỷ đồng…
Ngoài ra, Gemadept cũng còn các khoản vốn góp tại các đơn vị khác, thuộc các ngành nghề khác nhau không liên quan đến hoạt động chính của Công ty. Ví dụ các khoản góp vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải, Công ty cổ phần Chứng khoán công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Mặt trời Đông Dương, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí tuệ Việt Nam. Trong đó, Công ty Chứng khoán công nghiệp Việt Nam đang thực hiện các thủ tục giải thể.
Đầu tư tài chính ngắn hạn tuy có quy mô không lớn so với đầu tư tài chính dài hạn, nhưng tỷ lệ phải trích lập dự phòng lại rất cao. Tổng giá trị các khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh theo giá gốc là 140,7 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm giữa năm 2019, Gemadept phải trích lập tới gần 69 tỷ đồng dự phòng cho các khoản đầu tư này. Đây là các khoản đầu tư mua cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Quốc dân, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức, Công ty cổ phần Khoáng sản Mangan...