Có thể nhận diện GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân từng năm dưới các góc độ khác nhau.
| ||
GDP bình quân đầu người tính bằng USD có vai trò quan trọng, bởi nó liên quan đến vị thế kinh tế quốc tế của Việt Nam |
Điều dễ nhìn thấy nhất là, chỉ tiêu này đã liên tục tăng lên qua các năm. Năm 1988, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức rất thấp, nằm trong số vài chục nước và vùng lãnh thổ nghèo nhất thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu do Việt Nam rơi sâu vào khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế thấp, thậm chí có những năm còn giảm, tốc độ tăng dân số cao, tỷ giá VND/USD ở mức rất cao.
Cho đến năm 2007, GDP bình quân đầu người vẫn còn ở mức dưới 1.000 USD. Đến năm 2009, mặc dù đã đạt 1.160 USD/người, nhưng nếu loại trừ yếu tố trượt giá của USD, thì Việt Nam vẫn chưa ra khỏi nhóm có thu nhập thấp. Tuy nhiên, từ năm 2010, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình - một trong những kết quả nổi bật nhất, vì nó liên quan đến việc chuyển vị thế của đất nước. Chỉ tiêu này năm 2013 (ước đạt 1.899 USD/người), cao gấp gần 21,6 lần năm 1988, tăng 49,2% so với năm 2010 và tăng 8,6% so với năm 2012. Đó là tốc độ tăng khá cao.
Với quy mô dân số 90 triệu người, GDP của Việt Nam đạt trên 170 tỷ USD, trong đó hơn 70% dành cho tiêu dùng cuối cùng và tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường ngày một lớn, tính tự cấp tự túc ngày một giảm..., thì dung lượng thị trường của Việt Nam đã có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2013 đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại (vốn đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, cao nhất từ 2009 đến nay; vốn thực hiện đạt trên 11,5 tỷ USD, là một trong hai năm cao nhất từ trước đến nay).
GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế tăng như trên do 3 yếu tố: GDP theo giá thực tế, tốc độ tăng dân số và tốc độ tăng tỷ giá. Trong 3 yếu tố đó, có hai yếu tố tích cực. Yếu tố thứ nhất là tốc độ tăng dân số. Tốc độ tăng dân số đã chậm lại tương đối nhanh (nếu năm 1976 tăng tới 3,19%, thì đến năm 2013 chỉ tăng 1,05%). Yếu tố thứ hai là tỷ giá VND/USD bình quân tăng thấp, nhất là thời gian gần đây (năm 2012 tăng 0,18%, năm 2013 tăng 0,66%), trong khi giá tiêu dùng tăng bình quân 6,6%/năm.
Bên cạnh các kết quả tích cực như trên, về GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng có những mặt hạn chế, bất cập. Rõ nhất là quy mô GDP bình quân đầu người tính bằng USD còn rất thấp: đứng thứ 7/11 nước trong khu vực, đứng thứ 34/47 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và đứng thứ 136/191 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh.
Do GDP bình quân đầu người tính bằng USD còn thấp, nên Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn về quy mô tuyệt đối, trong khi tốc độ tăng GDP tính theo giá so sánh mấy năm nay đã tăng chậm lại. Đây cũng là một trong 3 yếu tố (chỉ số GDP bình quân đầu người, chỉ số tuổi thọ bình quân, chỉ số tỷ lệ đi học) làm cho thứ bậc về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam ở mức thấp (đứng thứ 7/11 trong khu vực, thứ 35/45 ở châu Á và thứ 117/173 trên thế giới).
Yếu tố chưa tích cực tác động đến GDP bình quân đầu người tính bằng USD là lạm phát của Việt Nam cao hơn so với Mỹ và nhiều nước khác (chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tính từ năm 2006 đến năm 2013 của Việt Nam là 11,5%/năm, cao gấp 4 lần so với Mỹ và gấp đôi nhiều nước khác). Do lạm phát cao hơn, nên GDP bình quân đầu người tính bằng VND theo giá thực tế tăng cao và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái thực tế bình quân cũng cao (bình quân thời kỳ 2006 - 2011 tăng 14%/năm) và sự cao lên này là chưa tích cực, không thực chất. Hai năm qua, lạm phát chậm lại, nên tăng trưởng GDP bình quân đầu người tính bằng USD cũng chậm lại (tăng 11,9%/năm, trong đó năm 2013 tăng 8,6%).
Như vậy, muốn tăng GDP bình quân đầu người tính bằng USD, cần tập trung làm cho GDP tính theo giá thực tế tăng trưởng cao hơn (tức là chiếc bánh GDP to ra), tốc độ tăng dân số tiếp tục chậm lại và tỷ giá được giữ ổn định.
Minh Nhung