Nguồn ảnh: Quochoi.vn |
Theo chương trình làm việc sáng 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tham gia giải trình về các vấn đề được quan tâm.
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận xét, tăng trưởng GDP 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn thiếu tính bền vững khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI.
Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP, cho thấy tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới nhưng nguồn lực đáp ứng nhu cầu, đặc biệt phục vụ sản xuất của khối FDI lại nhập từ bên ngoài. Ông Hải đề nghị cần có giải pháp tích cực trong thời gian tới.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiểm soát thấp hơn 4%, để giữ mức này Chính phủ đã sử dụng một số giải pháp hành chính như hoãn tăng giá điện, kiềm chế giá xăng dầu. Ông Hải cho rằng sẽ có áp lực dồn đẩy sang năm 2019, nên Chính phủ cần có kế hoạch thật tốt kiểm soát lạm phát cho năm tới.
Cùng với đó Chính phủ cần tăng dự báo tình hình, nhất là trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; như việc chuyển dịch hàng Trung Quốc và tỷ giá sẽ tránh được những thiệt hại cho xuất khẩu, tránh thực trạng được mùa mất giá nông sản như vừa qua.
Trước đó, trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10, đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, Báo cáo Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 khá cụ thể, chi tiết, nhưng vẫn còn không ít quan ngại về năng suất lao động, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế.
“Tăng năng suất lao động chưa đạt, thậm chí có chiều hướng đi xuống nên rất quan ngại. So với một số nước, tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, nên phải rất lưu ý để đảm bảo tăng trưởng bền vững”, ông Đạt nói.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng cho hay, mô hình tăng trưởng cũng chưa rõ nét. Mô hình tăng trưởng hiện nay không còn phù hợp với xu thế phát triển, còn nặng phụ thuộc khai thác tài nguyên, khoáng sản.
“Chúng ta phải nhanh chóng đổi mới mô hình tăng trưởng, dựa trên tiến bộ khoa học công nghệ để từ đó tăng được năng suất lao động”.
Theo báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Báo cáo của Chính phủ đã nêu khá đầy đủ, toàn diện những kết quả đạt được cũng như một số hạn chế, vướng mắc, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số vấn đề còn tồn tại, đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu.
Hệ số ICOR vẫn còn ở mức cao. Năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động có đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP năm 2018, tuy nhiên đều có xu hướng giảm so với năm 2017, cần đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân.
Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối NSNN dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ; năm 2018, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt dự toán, cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân.
Ngoài ra, tình trạng thất thu thuế, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh chậm được cải thiện trong khi nợ đọng thuế còn lớn. Cơ cấu chi ngân sách gắn với đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ còn chậm.