Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PetroVietnam (bên trái) và ông Steve Bolze, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GE Power ký kết dự án nhà máy điện chu trình hỗn hợp sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh |
Cụ thể GE đã cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký Biên bản Ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các nhà máy điện tua bin khí chu trình hỗn hợp Miền Trung I và Miền Trung II sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh, mỏ khí lớn nhất Việt Nam hiện nay, với trữ lượng thu hồi khoảng 150 tỷ m3 (tương đương với 5,4 Tcf). Dự kiến, Dự án Nhà máy điện Miền Trung I và Miền Trung II được Chính phủ giao cho PVN triển khai đầu tư tại tỉnh Quảng Nam sẽ lần lượt được đưa vào vận hành vào năm 2023 và 2024.
GE, với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm về phát triển năng lượng toàn cầu, sẽ nỗ lực cùng với PVN đưa ra các giải pháp công nghệ tốt nhất cho Dự án, nhằm đảm bảo hiệu suất cao, sử dụng hiệu quả nhiên liệu đầu vào và đạt các yêu cầu về giảm phát thải. Biên bản Ghi nhớ với PVN, tiếp tục củng cố sự hiện diện của GE trong lĩnh vực phát triển hạ tầng năng lượng tại Việt Nam sau khi các thiết bị được GE sản xuất đã có mặt ở Nhà máy thuỷ điện Sơn La (2.400 MW), nhà máy thuỷ điện Lai Châu (1.200 MW)…
Thoả thuận thứ 2 được ký giữa GE cùng với các đối tác là Mainstream Renewable Power và Tập đoàn Phú Cường đã ký thỏa thuận phát triển chung về việc phát triển trang trại điện gió Phú Cường công suất 800 MW tại tỉnh Sóc Trăng.
Đây là thỏa thuận nằm trong nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển 1 GW điện gió được ký kết với Bộ Công Thương năm ngoái và là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam khai phá tiềm năng lớn về điện gió.
CFM International - liên doanh giữa GE và Safran Aircraft Engines cũng đã ký kết hai thỏa thuận mới với VietJet Air. Trong đó, hợp đồng hỗ trợ bảo trì cho 215 động cơ máy bay LEAP-1B được đặt hàng năm 2016 có thời hạn 12 năm. Theo thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD (theo giá niêm yết) này, CFM đảm bảo chi phí bảo trì động cơ theo giờ bay cho tất cả các động cơ LEAP-1B được sử dụng trong 100 máy bay Boeing 737 MAX.
Bên cạnh đó, để mở rộng đội bay A321, VietJet Air cũng đã đặt hàng 20 động cơ CFM56-5B cho 10 máy bay A321 mới. Hợp đồng này trị giá 580 triệu USD (theo giá niêm yết) và cũng bao gồm một thỏa thuận bảo trì dài hạn.
Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc GE khu vực ASEAN chia sẻ, với sự hiện diện mạnh mẽ tại địa phương, chúng tôi đã xây dựng những mối quan hệ đối tác lâu dài với các khách hàng tại Việt Nam nhằm đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của đất nước. Những thỏa thuận mới đây không chỉ hỗ trợ các hoạt động sản xuất của chúng tôi tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu mà còn khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Phát biểu về các thỏa thuận này, ông Gaël Méheust, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành CFM chia sẻ, chúng tôi đánh giá cao sự tin tưởng dành cho CFM và năng lực của chúng tôi trong việc hỗ trợ VietJet xét về lâu dài. Chúng tôi rất tự hào khi trở thành một phần của đội ngũ năng động và thú vị này trong suốt sáu năm qua và cũng rất vinh dự khi biết rằng mối quan hệ đặc biệt này sẽ còn được tiếp tục trong nhiều năm tới.