PGS-TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính |
Áp lực lạm phát vào dịp Tết Nguyên đán (trước, trong và sau Tết) thường rất lớn. Theo ông, Tết Giáp Thìn năm 2024, giá cả hàng hóa, dịch vụ có biến động mạnh không?
Theo tôi, không có biến động mạnh, vì trong mấy năm gần đây, doanh nghiệp thường chủ động hàng phục vụ Tết từ nhiều tháng trước. Tết đến, Xuân về, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng 30 - 40% so với ngày thường. Đây là thời điểm để cả doanh nghiệp sản xuất lẫn phân phối và thương mại “bung hàng”, nên cung hàng hóa rất phong phú, đa dạng, đầy đủ. Rất nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại khuyến mãi, giảm giá hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích thích tiêu dùng.
Đầu quý IV/2023, nhiều chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý nhà nước cũng lo lạm phát sẽ tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn bởi lo ngại nguồn cung thịt lợn bị thiếu hụt, nhưng rất mừng, mối lo ngại đã không xảy ra, nguồn cung thịt lợn hiện rất dồi dào, giá cả không tăng so với ngày thường cho dù nhu cầu đối với loại thực phẩm này tăng mạnh.
Khác với dịp Tết Nguyên đán mấy năm gần đây, năm nay, cán bộ, công chức, viên chức… vừa được tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023. Điều này có khiến nhu cầu chi tiêu dịp Tết tăng, thưa ông?
Lương cơ sở được tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tăng 12,5%; các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở tăng 21%, nhưng tôi cho rằng, điều này không tác động khiến tổng cầu tăng đột biến trong dịp Tết.
Lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp xã hội đã tăng từ ngày 1/7/2023 và người dân đều đã có kế hoạch chi tiêu. Bây giờ, các gia đình không còn tâm lý tích trữ thực phẩm cho dịp Tết như trước, nên cầu tiêu dùng không tăng đột biến. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, đặc biệt là ở đô thị, nên mặt bằng giá cả Tết này sẽ ổn định.
Điều quan trọng nữa, thuế giá trị gia tăng tiếp tục được kéo dài thời gian giảm đến hết ngày 30/6/2024, tức là suốt cả thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thuế giá trị gia tăng với hầu hết hàng hóa, dịch vụ đều được hưởng mức thuế suất 8%, thay vì 10% như các Tết Nguyên đán trước đây, nhờ đó kéo mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ xuống.
Nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán cực lớn, nên giá dịch vụ vận tải chắc chắn tăng mạnh?
“Tết đoàn viên”, nên những người xa quê bao giờ cũng muốn trở về quê hương trong những ngày Tết để đoàn tụ với gia đình. Đây là văn hóa Á Đông, thậm chí ở Trung Quốc, sự dịch chuyển dân cư trong những ngày Tết Nguyên đán được gọi là “Xuân vận” với cả tỷ lượt người di cư.
Ở Việt Nam, nhu cầu đi lại của người dân trong những ngày Tết rất lớn, nên giá dịch vụ vận tải chắc chắn sẽ tăng, nhưng mức tăng tối đa được Nhà nước khống chế. Xăng dầu chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí vận chuyển. Khác với nhiều năm, giá xăng dầu cuối năm 2023 và đầu năm 2024 ở mức khá thấp và khá ổn định, nên giá vận tải không thể tăng đột biến.
Vậy thưa ông, những yếu tố nào sẽ tác động tới lạm phát trong năm 2024?
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) năm 2024 tăng khoảng 3,2 - 3,5%. Đưa ra dự báo này, các chuyên gia căn cứ vào nhiều nhân tố tác động tới lạm phát.
Thứ nhất, khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng trước tác động của nhiều yếu tố rủi ro bất định liên quan địa chính trị - kinh tế, tác động tới đà phục hồi tổng cầu hàng hóa.
Thứ hai, mặc dù lãi suất cơ bản của Mỹ, EU, Anh... không tăng, nhưng vẫn chưa giảm, dự báo phải nhiều tháng nữa, các nước này mới giảm lãi suất để đưa lạm phát mục tiêu về 2%.
Thứ ba, giá dầu Brent năm 2024 được dự báo khoảng 60 - 65 USD/thùng, do tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu khó có thể tăng cao.
Thứ tư, sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại đồng loạt hạ cả lãi suất huy động và cho vay đã tạo ra mặt bằng lãi suất thấp nhất kể từ trước đến nay. Nhưng dư địa tiếp tục giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm lãi suất điều hành, hạ nhiệt mặt bằng lãi suất cho vay vẫn còn, khi Mỹ, EU, Anh... hạ lãi suất điều hành.
Thứ năm, nhờ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát và tái cơ cấu ngành sản xuất nông nghiệp, nên cho dù nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với sự thiếu hụt lương thực, thực phẩm, rau quả, thì Việt Nam vẫn bảo đảm đủ cầu trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Nhưng mức tăng CPI 3,2 - 3,5% được đưa ra chưa tính đến bất ổn trên Biển Đỏ - con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, thưa ông?
Biển Đỏ là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng nối Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương, từ châu Âu đến châu Á. Căng thẳng trên Biển Đỏ khiến tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất này bị tắc nghẽn khiến chi phí vận tải tăng rất mạnh. Hiện tại, giá cước vận tải bằng đường biển đã tăng 250%, thậm chí còn tăng đến 400% so với cùng kỳ năm 2023, vì các hãng vận tải biển phải đi vòng để tránh nguy cơ bị tấn công.
Bất ổn trên Biển Đỏ chắc chắn tác động đến lạm phát toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nhưng tôi cho rằng, tác động không lớn lắm. Bởi năm 2024, các đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Anh, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... được dự báo giảm tốc so với năm 2023, thậm chí, kinh tế Đức được dự báo tiếp tục tăng trưởng âm, nên nhu cầu hàng hóa, nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu không lớn.
Nhìn lại giai đoạn Covid-19, vận chuyển hàng hóa trên thế giới bị tắc nghẽn cả đường biển lẫn đường hàng không, nhưng lạm phát rất thấp bởi nhu cầu thấp.