Nhiều người lớn khi bị sốt và phát ban chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, chỉ đến khi bệnh trở nặng và phải nhập viện, họ mới biết mình bị sởi với các biến chứng nguy hiểm như viêm ruột, viêm phổi, hoặc nhiễm trùng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Nhập viện vì sởi biến chứng ở người lớn
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các trường hợp người lớn mắc sởi nặng. Đáng chú ý, không ít người bị chẩn đoán nhầm là sốt phát ban, dị ứng da, hoặc bệnh khác, dẫn đến việc điều trị chậm và gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi.
Bệnh sởi thường được biết đến là bệnh của trẻ em, nhưng gần đây, số ca mắc sởi nặng ở người lớn cũng ngày càng gia tăng. |
Chị T.H.B (37 tuổi, Nam Định) là một ví dụ điển hình. Chị bị sốt 3 ngày kèm phát ban đỏ từ mặt, cổ, sau lan ra toàn thân, cùng với các triệu chứng đau họng, đau bụng, tiêu chảy và khó thở.
Tuy nhiên, chị không biết mình mắc sởi. Chị được chẩn đoán là sốt phát ban, viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa Nam Định nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, chị chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nơi được chẩn đoán là sởi có biến chứng viêm phổi. Sau 3 ngày điều trị, chị đã vượt qua cơn nguy kịch.
Một trường hợp khác là nam sinh viên V.T.T (21 tuổi, Hà Nội), mắc sởi nhưng được chẩn đoán nhầm là dị ứng. Sau khi xét nghiệm, anh mới được xác nhận nhiễm virus sởi và được chuyển đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Anh N.V.A (38 tuổi, Thanh Hóa) cũng là một bệnh nhân mắc sởi nhưng chủ quan không nghĩ mình bị sởi khi bị sốt liên tục 5 ngày kèm theo đau họng, viêm đường hô hấp trên và phát ban. Anh chỉ nhận ra mình mắc sởi sau khi đi khám và được xét nghiệm dương tính với virus sởi.
Theo PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm ruột, và các nhiễm trùng khác. Đặc biệt, với người lớn và phụ nữ mang thai, bệnh sởi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và gây nguy hiểm cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Bệnh sởi hiện đang lây lan nhanh chóng ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 20.000 ca nghi mắc sởi, trong đó gần 5.000 ca dương tính và 5 trường hợp tử vong. Con số này cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các địa phương có tỷ lệ mắc sởi cao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong thời gian từ 1/9 đến 19/11/2024, đã có 195 ca dương tính với sởi, trong đó trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 31%, và trẻ trên 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc-xin chiếm 40%.
Để ngăn chặn dịch bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất. Vắc-xin sởi, đặc biệt là vắc-xin MMR (sởi-quai bị-rubella) dành cho người lớn, sẽ giúp phòng ngừa bệnh và ngăn các biến chứng. Bên cạnh đó, mọi người cần duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường, nâng cao sức đề kháng và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng sởi-rubella tại 31 tỉnh, thành, với gần 912.000 đối tượng được tiêm chủng. Tính đến nay, chiến dịch đã tiêm được hơn 742.653 liều vắc-xin, đạt 81,4% kế hoạch. TP.HCM cũng đã tiêm đủ cho 230.292 người.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, tình hình dịch sởi đang có diễn biến phức tạp. Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiêm vắc-xin bổ sung, tăng cường giám sát và kiểm tra để đảm bảo an toàn tiêm chủng và hiệu quả phòng ngừa.
Các cơ sở y tế cũng cần nâng cao năng lực giám sát, điều trị, hạn chế tối đa các ca chuyển nặng và tử vong do sởi. Đồng thời, công tác truyền thông cần được đẩy mạnh, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng.
Dịch bệnh sởi đang có nguy cơ bùng phát, vì vậy mỗi người dân cần chủ động tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Khi nào cần phẫu thuật u tuyến giáp
Phát hiện khối u trung thất trên phim chụp X-quang, bà Hoàn, 71 tuổi, bất ngờ với chẩn đoán bướu giáp lớn chèn ép khí quản, gây khó thở kéo dài.
5 năm trước, bà Hoàn (ngụ Bình Định) phát hiện bướu giáp lành tính chưa cần phẫu thuật. Một tháng nay, thỉnh thoảng bà thấy mệt, khó thở khi nằm, chóng mặt, tăng nhiều khi gắng sức kèm cảm giác vướng vùng cổ.
Bà đi khám tại bệnh viện địa phương, bác sỹ chụp X-quang thấy một khối u lớn trong lồng ngực (trung thất) nên khuyên bà đến bệnh viện kiểm tra kỹ hơn.
Phim chụp X-quang ngực thẳng có hình ảnh khối u choán chỗ trung thất trên, đè ép và đẩy lệch khí quản sang trái. Khám lâm sàng ghi nhận khối di động theo nhịp nuốt khi sờ, nhưng không nhìn thấy ở tư thế cổ bình thường. Bác sỹ chỉ định siêu âm vùng cổ, chụp CT ngực cổ để đánh giá chi tiết tổn thương.
Kết quả ghi nhận tuyến giáp hai bên phình to, kích thước lần lượt 45x46x109 mm (thùy phải), 32x38x88 mm (thùy trái), bề dày eo giáp 20 mm. Hai bướu giáp không phình ra ngoài cổ mà phình vào trong, thòng xuống lồng ngực, chèn ép khí quản từ hai phía, lòng khí quản chỉ còn 5.5 mm (đường kính bình thường của khí quản là 12.5 – 13.5 mm). Để chắc chắn hơn về bản chất của khối u, bác sỹ sinh thiết kim nhỏ - FNA (Fine Needle Aspiration), khẳng định bướu giáp lành tính.
Trung thất (trong lồng ngực) là khu vực được bao quanh bởi xương ức ở phía trước, cột sống ở phía sau và phổi ở hai bên. Trung thất chứa tim, động mạch chủ, các hạch bạch huyết, tuyến ức, thực quản, khí quản và dây thần kinh.
“Khi bướu giáp quá lớn sẽ có nguy cơ thòng vào trung thất và chèn ép các cấu trúc lân cận như trường hợp bà Hoàn, dễ lầm tưởng là u trung thất nếu không khảo sát kỹ vùng tuyến giáp. Tiên lượng và phương pháp điều trị của hai nhóm u này khác nhau, u tuyến giáp có tiên lượng tốt hơn nhiều so với u trung thất”, bác sỹ Hải nói.
BS.CKI Trần Quốc Hoài, Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nhận định, lòng khí quản bệnh nhân bị thu hẹp hơn một nửa, nguy cơ diễn tiến hẹp khít gây khó thở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng sống của người bệnh. Do đó, cần phẫu thuật cắt toàn bộ bướu giáp sớm để ngăn ngừa biến chứng bất lợi về sau.
Theo bác sỹ Hoài, phẫu thuật cắt tuyến giáp là lựa chọn tối ưu nhất cho bệnh nhân bị bướu giáp. Dù kỹ thuật này không phức tạp nhưng sẽ trở nên khó khăn trong những trường hợp tuyến giáp quá to, thòng xuống trung thất và chèn ép khí quản.
Việc tiếp cận và xử lý các mô xung quanh bướu cần hết sức cẩn thận để tránh tổn thương khí quản, thần kinh quặt ngược thanh quản, tuyến cận giáp cũng như các mạch máu lớn. Những cấu trúc này nằm gần tuyến giáp, nếu bị tổn thương có thể dẫn đến biến chứng nặng nề như khàn giọng, hạ canxi máu, tụ dịch máu…
Phương án tiếp cận bướu giáp cũng được ê kíp hội chẩn kỹ. Đường mổ tuyến giáp truyền thống là đường rạch da ngang cổ sẽ giúp loại bỏ hầu hết các bướu giáp nhỏ đến trung bình.
Nhưng với bướu giáp lớn thòng trung thất, đường mổ này sẽ bộc lộ nhiều hạn chế do khó kiểm soát các cấu trúc trong lồng ngực hơn, đặc biệt là các mạch máu lớn. Vì thế, ê kíp mở đường rạch cổ nhưng vẫn dự phòng phương án cưa xương ức, mở ngực nếu không thể lấy bướu giáp từ đường cổ.
Nhờ sự hỗ trợ của các loại máy móc tiên tiến như CT Scanner, siêu âm hiện đại rõ nét… trước mổ, bác sỹ xác định chính xác cấu trúc giải phẫu, các cơ quan lân cận. Sau hơn 2 giờ, ê kíp lấy được toàn bộ bướu giáp từ đường cổ một cách an toàn mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Bà Hoàn hồi phục tốt, xuất viện sau 3 ngày trong tình trạng ổn định. Bác sỹ hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc vết mổ khô ráo, sạch sẽ để tránh nhiễm trùng; đến bệnh viện ngay nếu có dấu hiệu sưng tấy, đỏ hoặc chảy mủ; tránh các hoạt động gắng sức để vết mổ nhanh lành và giảm nguy cơ biến chứng. Bà cũng cần tuân thủ lịch tái khám định kỳ nhằm kiểm tra chức năng tuyến giáp và theo dõi quá trình hồi phục sau mổ.
Bác sỹ Hải thông tin, bướu giáp có thể phát triển âm thầm trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng rõ ràng. Khi bướu phát triển lớn, bệnh nhân có thể xuất hiện cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, vướng ở cổ, cổ phình to…
Nếu bướu giáp chèn ép khí quản sẽ gây khó thở; chèn ép thực quản gây khó nuốt; chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây mất giọng, khàn giọng, ảnh hưởng đến khả năng phát âm; chèn ép các mạch máu dẫn đến phù, dễ hạ huyết áp, khiến bệnh nhân chóng mặt, choáng váng, trường hợp nặng có thể gây suy hô hấp. Bệnh nhân cũng dễ mắc bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp nếu bướu giáp làm thay đổi cấu trúc đường thở và cản trở việc làm sạch dịch tiết.
Bác sỹ Hoài cho hay bên cạnh phẫu thuật mổ mở, phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp hoặc đốt sóng cao tần - Radiofrequency Ablation (RFA) cũng được ưu tiên lựa chọn trong điều trị bướu giáp lành tính, kích thước nhỏ. Đây là phương pháp ít xâm lấn, loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn bướu giáp, ít để lại sẹo và bảo tồn được chức năng tuyến giáp. Bệnh nhân cũng hồi phục nhanh hơn so với phẫu thuật truyền thống.
Để phòng tránh bệnh lý tuyến giáp, nên khám tầm soát định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo cung cấp đủ i-ốt trong chế độ ăn, vì thiếu i-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về tuyến giáp. Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, thay đổi giọng nói để đi khám và điều trị kịp thời.
Cảnh giác dấu hiệu sớm của đột quỵ
Sau 5 ngày khởi phát đột quỵ, triệu chứng nặng dần, ông Cường, 75 tuổi ở TP.HCM, được đưa đi cấp cứu, bác sỹ đánh giá là trường hợp rất hi hữu.
“Khi nhập viện, động mạch lớn trong não của người bệnh vẫn đang tắc hẹp nặng. Trong 5 ngày qua tính mạng người bệnh chưa bị ảnh hưởng nhưng không có nghĩa đã hết nguy hiểm. Triệu chứng đang nặng dần, nguy cơ diễn biến xấu đột ngột hoặc tái phát đột quỵ rất cao.
Kết quả chụp MRI 3 Tesla sọ não ghi nhận ông Cường bị hẹp nặng – tắc động mạch thân nền, nhồi máu não cấp vùng cầu não lệch trái. Đây là động mạch quan trọng cung cấp máu lên não. “Thông thường, bệnh nhân bị hẹp nặng – tắc động mạch thân nền dễ đột quỵ nặng, tiên lượng tử vong cao”, bác sỹ In nói.
Gia đình cho biết trước đó 5 ngày, khi đang đi chơi ông Cường đột ngột bị chóng mặt, đứng không vững, hơi tê yếu nửa người bên phải. Gia đình đưa ông vào một phòng khám nhỏ gần đó, được cho thuốc về uống. Ông dùng thuốc không giảm, mới đây có thêm triệu chứng méo mặt bên phải, nói chuyện khó.
Theo bác sỹ, ông Cường nhập viện trong tình trạng chóng mặt, sức cơ nửa người phải giảm 50%, nói đớ, uống nước bị sặc. Đánh giá tình trạng đột quỵ của bệnh nhân theo thang điểm NIHSS ghi nhận 6 điểm. NIHSS là thang điểm dùng để đánh giá tiên lượng lâm sàng đối với bệnh nhân đột quỵ cấp, điểm càng cao phản ánh mức độ đột quỵ càng nặng.
ệnh nhân đã vượt quá “giờ vàng” dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc can thiệp nội mạch để loại bỏ huyết khối. Tuy nhiên, cần khẩn cấp điều trị, theo dõi tích cực để phòng ngừa bệnh tăng nặng, nguy cơ tái phát đột quỵ đe dọa tính mạng.
ThS.BS Lê Thị Yến Phụng, Khoa Thần kinh cho biết, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng kết tập tiểu cầu và theo dõi sát sinh hiệu, tầm soát kỹ các yếu tố nguy cơ tái phát đột quỵ. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện nồng độ mỡ trong máu của bệnh nhân tăng rất cao, đồng thời có bệnh nền xơ vữa động mạch.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hẹp nặng – tắc động mạch nền, gây đột quỵ nhồi máu não. “Khả năng động mạch này bị tắc nghẽn mạn tính. Đồng thời, các mạch máu não lân cận hỗ trợ, bù trừ cho phần máu thiếu hụt lên não nên lâm sàng bệnh nhân không xấu đi đột ngột”, bác sỹ Phụng cho biết.
Qua 3 ngày điều trị tích cực theo phác đồ đa mô thức, kiểm soát chặt nồng độ mỡ máu, sức khỏe ông Cường được cải thiện. Sức cơ nửa người bên phải đạt 4/5, giảm nói ngọng, uống nước đỡ sặc, mặt hết méo. Đánh giá lại thang điểm NISHH còn 4 điểm, giảm 2 điểm so với lúc nhập viện.
Bốn ngày tiếp theo, ông Cường được xuất viện. Ông cần duy trì uống thuốc kháng kết tập tiểu cầu theo chỉ định của bác sỹ trong thời gian dài để phòng ngừa tái phát đột quỵ. Đồng thời, tập phục hồi chức năng di chứng sau đột quỵ để cải thiện tình trạng yếu nửa người bên phải.
Theo bác sỹ Phụng, đột quỵ là tình trạng cấp cứu thần kinh khẩn cấp. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ như miệng méo, yếu liệt tay chân hoặc nửa người, nói đớt, đau đầu, mờ mắt… người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên môn cấp cứu đột quỵ hoặc gọi đến Tổng đài cấp cứu đột quỵ 115 để được hỗ trợ, xử lý kịp thời, tránh để lâu nguy hiểm.
Những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc đột quỵ như người cao tuổi, bệnh nhân đã từng đột quỵ, hoặc người mắc các bệnh nền như rối loạn nhịp tim, mỡ máu cao, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì… nên tái khám định kỳ và dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ để kiểm soát bệnh. Nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ để kịp thời phát hiện, điều trị dự phòng các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ.