Quốc tế
Giá dầu 100 USD/thùng, quốc gia nào sẽ chịu tác động mạnh?
Tư Thuần - 06/04/2023 16:27
Việc OPEC và các đồng minh đột ngột cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu theo đà leo dốc, với dự báo có thể vượt 100 USD/thùng. Nếu vậy, quốc gia nào sẽ chịu tác động mạnh nhất?

Ngày 2/4, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh thông báo sẽ cắt giảm sản lượng ở mức 1,16 triệu thùng/ngày. Đây là động thái vượt mọi dự đoán của các thành viên thị trường dầu mỏ, gây bất ngờ cho thị trường.

Việc giảm sản lượng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 5/2023 và kéo dài cho tới cuối năm 2023. Cả Ả Rập Xê út và Nga đều giảm sản lượng khoảng 500.000 thùng/ngày cho tới cuối năm, trong khi các thành viên OPEC khác như Kuwait, Oman, Iraq, Algeria và Kazakhstan giảm sản lượng ở mức thấp hơn.

Sau động thái này, giá dầu thô Brent thị trường tương lai đã tăng lên 85,41 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tiêu chuẩn thị trường Mỹ ở mức 81,11 USD/thùng.

Nhóm quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô

Trong bối cảnh này, ông Pavel Molchanov, Giám đốc Ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James cho rằng, Mỹ không phải quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu giá dầu tăng lên 100 USD/thùng. Nỗi đau sẽ dành cho các quốc gia không có nguồn lực dầu mỏ như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp…

Cùng quan điểm, ông Henning Gloystein, Giám đốc Eurasia Group nhận định, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc nguồn cung giảm sút và giá dầu tăng là các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và dầu mỏ là nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sử dụng.

Trong số các “nạn nhân”, Ấn Độ được nhắc tên đầu tiên. Đây là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, đã liên tục mua vào dầu từ Nga với mức giá chiết khấu cao sau khi các lệnh cấm vận được áp đặt lên sản phẩm dầu mỏ của Nga.

“Ngay cả khi Ấn Độ nhập khẩu được dầu mới mức giá rẻ hơn từ nga, việc Nga giảm sản lượng, giá dầu cùng giá than đá gia tăng vẫn khiến tăng trưởng kinh tế Ấn Độ gặp trở ngại”, Henning Gloystein cho biết.

Một quốc gia khác cũng chịu thiệt hại lớn khi giá dầu tăng mạnh là Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc chủ yếu dựa vào dầu mỏ nhập khẩu, với lượng nhập chiếm tỷ trọng 40% toàn bộ nguồn cung năng lượng.

“Không có hoạt động sản xuất đáng kể trong nước, Nhật Bản phụ thuộc lớn vào dầu thô nhập khẩu, trong đó 80-90% lượng nhập khẩu là từ các quốc gia khu vực Trung Đông”, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết.

Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ, theo số liệu từ công ty nghiên cứu độc lập Enerdata. Đáng chú ý, Hàn Quốc và Italy phụ thuộc 75% vào dầu nhập khẩu.

Châu Âu cũng là khu vực rất “nhạy cảm” với diễn biến giá dầu khi còn phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hoá thạch và đang trong quá trình chuyển đổi chính sách đa dạng năng lượng.

 Dù Trung Quốc cũng nhập khập dầu thô quy mô lớn nhưng quốc gia này vẫn có hoạt động khai thác dầu chủ lực ở trong nước.

Tác động tới các nền kinh tế đang phát triển

Một số nền kinh tế đang phát triển sẽ “không có đủ năng lực ngoại tệ để hỗ trợ việc nhập khẩu dầu thô” nếu giá dầu tăng lên 100 USD/thùng. Do vậy, đây cũng là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nếu giá dầu tiếp tục leo dốc, ông Pavel Molchanov, Giám đốc Ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James nói và nhắc tới những cái tên như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Pakistan…

Nhiều quốc gia đang chứng kiến quỹ dự trữ ngoại hối vơi dần. Việc phải nhập khẩu dầu bằng USD và giá dầu tăng cao có thể khiến các quốc gia này gặp khó khăn. Chưa kể, đồng bạc xanh tăng giá sẽ còn tạo thêm tác động tiêu cực, ông Amrita Sen, nhà sáng lập Energy Aspects chia sẻ.

Một điểm đáng chú ý, theo giới chuyên gia, giá dầu 100 USD/thùng nhiều khả năng chỉ kéo dài trong một thời gian nhất định. Một khi giá dầu chạm tới ngưỡng này và duy trì một thời gian, các nhà sản xuất dầu mỏ sẽ gia tăng sản lượng.

Tin liên quan
Tin khác