Quốc tế
Giá dầu Brent vượt mốc 95 USD/thùng
Đông Phong - 19/09/2023 17:23
Sau khi liên minh OPEC+ cắt giảm nguồn cung, giá dầu thế giới hôm nay 19/9 đã đạt mức cao nhất trong 10 tháng qua, kéo dài một đợt tăng mạnh mẽ đi kèm nguy cơ lạm phát.
Dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu ngày 19/9 vượt mốc 95 USD/thùng, đánh dấu ngày thứ tư tăng giá sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng. Ảnh: AFP

Giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu ngày 19/9 đã vượt mức 95 USD/thùng, đánh dấu ngày tăng thứ tư sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm, theo ghi nhận của Bloomberg. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái giá dầu Brent vượt 95 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu WTI giao kỳ hạn của Mỹ tăng 98 cent, tương đương 1,1%, lên 92,46 USD, vào lúc 06:30 GMT.

Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo vào ngày 18/9 rằng sản lượng từ các khu vực sản xuất dầu đá phiến hàng đầu của nước này đang trên đà giảm xuống còn 9,393 triệu thùng/ngày vào tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 5. Mức sản lượng này sẽ giảm trong ba tháng liên tiếp.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Saudi Arabia và Nga trong tháng này quyết định gia hạn cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm.

Nguồn cung thắt chặt hơn đã làm dấy lên một loạt dự đoán rằng giá dầu có thể sớm quay trở lại mốc 100 USD/thùng.

Thực tế, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 30% kể từ giữa tháng 6 khi mà Saudi Arabia và Nga cùng cắt giảm xuất khẩu nhằm giảm tồn kho và thúc đẩy giá phục hồi. Bên cạnh đó, triển vọng cải thiện của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên. Do đó, giá dầu không ngừng tăng là một trong những đặc điểm nổi bật của thị trường hàng hóa trong quý III/2023.

Bà Charu Chanana, chiến lược gia thị trường tại công ty nghiên cứu thương mại và đầu tư Saxo Capital Markets (Singapore), cho biết: "Rủi ro [giá dầu] tăng đột biến lên 100 USD/thùng trong ngắn hạn có thể bám theo đà hiện nay, nhưng chúng tôi không có nhiều niềm tin rằng nó sẽ bền vững". "Lạm phát cao hơn có thể đồng nghĩa với việc các chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và OPEC+ không thể kiểm soát phía cầu", bà Chanana nói thêm.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, phát biểu tại một hội nghị ở Canada hôm 18/9 rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực giữ cho thị trường dầu mỏ ổn định và cải thiện an ninh năng lượng mà không nhắm tới một mức giá cụ thể. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cũng lưu ý rằng nước này hàng tháng sẽ xem xét kế hoạch sản lượng đầu ra.

Chi phí năng lượng tăng lên sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, làm phức tạp thêm nhiệm vụ chống lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, đặc biệt là ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Vương quốc Anh đã mạnh tay tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng giá. Đây sẽ là một tuần quan trọng đối với các quyết định về chính sách tiền tệ, với hàng loạt cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Giá dầu tăng vọt đặt ra thách thức cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, bởi giá dầu thô đắt đỏ lên khiến đến giá xăng tăng theo - vấn đề mà cử tri Mỹ rất quan tâm.

Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư OANDA (Singapore), cho rằng giá dầu đang bị đẩy lên do những lo ngại về nguồn cung thắt chặt và các yếu tố kỹ thuật.

"Dầu mỏ rơi vào trạng thái mua quá mức khiến thị trường dễ bị điều chỉnh", các nhà phân tích tại Ngân hàng Quốc gia Australia đánh giá sau bài phát biểu ngày 18/9 của Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Saudi Aramco Amin Nasser và Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia.

Giám đốc điều hành Aramco đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ dài hạn toàn cầu xuống còn 110 triệu thùng/ngày vào năm 2030, thấp hơn ước tính trước đó là 125 triệu thùng/ngày.

Tin liên quan
Tin khác