Một trạm xăng dầu ở Marseille, miền nam nước Pháp. Ảnh: AFP |
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, Phó thủ tướng Alexander Novak cho rằng việc nhanh chóng thay thế nguồn cung dầu mỏ Nga cho thị trường châu Âu là điều không thể, quá trình này sẽ mất hơn 1 năm, cho nên lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Nga sẽ thổi bùng giá nhiên liệu, giá điện và chi phí sưởi ấm ở châu Âu và Mỹ.
"Rõ ràng là việc từ bỏ nguồn dầu mỏ của Nga sẽ dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho thị trường thế giới. Giá dầu tăng vọt sẽ không thể đoán trước được - có thể vượt 300 USD/thùng, nếu không muốn nói là hơn thế", Phó thủ tướng Nga cảnh báo.
"Đồng thời, không thể thay thế khối lượng dầu mà Nga cung cấp cho thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, sẽ mất hơn 1 năm và (giá cả - BTV) sẽ đắt hơn nhiều đối với người tiêu dùng châu Âu. Theo kịch bản này, họ sẽ trở thành những nạn nhân chính. Các chính trị gia châu Âu khi đó nên thành thật thông báo đến công dân, người tiêu dùng của họ về những gì đang chờ đợi họ và giá xăng tại trạm bơm, giá điện, chi phí sưởi ấm sẽ tăng vọt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các thị trường khác, bao gồm cả thị trường Mỹ", ông Alexander Novak nói thêm.
Phó thủ tướng Novak nhấn mạnh rằng Nga là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho châu Âu và khu vực tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn dầu, trong đó Nga cung cấp khoảng 150 triệu tấn, tương đương 30%. Nga cũng cung cấp cho EU 80 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ khác.
"Hơn nữa, mọi người đều biết rằng nguồn cung dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga hiện nay có giá cạnh tranh nhất cho thị trường châu Âu, với cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu và dịch vụ vận tải biển đường biển phát triển", Phó Thủ tướng lưu ý.
Những cảnh báo trên của Phó thủ tướng Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ được cho là sẽ sớm bỏ phiếu về đề xuất cắt bỏ quan hệ thương mại với Nga và Belarus, bao gồm việc ngừng nhập khẩu dầu mỏ, trong một động thái gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga do nước này đã phát động xung đột với Ukraine. Trong khi đó, Đức đã liên tục phản đối việc cấm vận dầu mỏ, trong đó có tuyên bố rằng sự suy giảm nguồn cung dầu mỏ đe dọa "sự gắn kết xã hội".
Nhóm chuyên gia phân tích hàng hóa của Goldman Sachs cho rằng việc phối hợp áp dụng lệnh cấm vận dầu mỏ Nga có thể sẽ mất nhiều thời gian bởi châu Âu vẫn đang phụ thuộc lớn vào nguồn dầu nhập khẩu từ Nga.
Do vậy, các chuyên gia Goldman Sachs cho rằng nhiều khả năng chỉ có phía Mỹ áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga trong thời gian ngắn và tác động gây ra không đáng kể đối với thị trường dầu thô và sản phẩm xăng dầu toàn cầu. Bởi lẽ, tính trung bình 3 tháng qua, từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, Mỹ chỉ nhập khẩu hơn 400 nghìn thùng dầu mỗi ngày (kb/d) từ Nga, giảm gần một nửa so với mức đỉnh 770 kb/ngày vào tháng 5 đến tháng 6 năm 2021.
Cho nên, khối lượng nhập khẩu nhỏ như trên nằm trong khả năng của Mỹ để điều hướng nguồn cung dầu mỏ, chưa kể Washington vốn có lợi thế về sản xuất dầu đá phiên. Do đó, Goldman Sachs cho rằng về cơ bản động thái cấm vận dầu mỏ từ phía Mỹ sẽ gây ra tác động không lớn đến thị trường dầu thô.