Quốc tế
Giá dầu lập đỉnh sau quyết định bất ngờ của OPEC+
Lê Quân - 05/03/2021 14:10
Giá dầu cán mốc cao nhất trong hơn 1 năm qua sau khi liên minh OPEC + khiến các nhà giao dịch dầu mỏ được phen bất ngờ khi quyết định giữ nguyên mức sản lượng hiện nay.
Đà phục hồi của giá dầu thô cộng với nguồn cung sản phẩm tinh chế ở Mỹ giảm sâu do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão mùa đông đã đẩy giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: AFP

Đây là tín hiệu cảnh báo thị trường dầu thô sẽ được thắt chặt hơn trong những tháng tới. Giá dầu giao kỳ hạn tại New York tăng 4,2%, mức cao nhất kể từ sau khi Saudi Arabia tuyên bố gây sốc sẽ cam kết đơn phương cắt giảm sản lượng vào tháng 1.

Tại cuộc họp trực tuyến chiều 4/3 (giờ London), liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ OPEC + đã thống nhất giữ ổn định sản lượng trong tháng 4. Động thái bất ngờ này đã đẩy giá dầu Brent toàn cầu tăng vọt 5% trong ngày giao dịch 4/3, lên mức 67,30 USD/thùng - tiệm cận đỉnh hồi tháng 1/2020, thời điểm Covid-19 chỉ mới bắt đầu chớm lan ra thế giới.

Saudi Arabia cho biết quốc gia này không "bơm" nguồn cung trở lại bình thường và sẽ duy trì cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày.

"Quyết định duy trì cắt giảm nguồn cung của OPEC + trong tháng 4 đã đem đến cho các nhà đầu cơ giá dầu mỏ chính xác những gì họ cần trong chừng mực nguồn cung bị thắt chặt", Ryan Fitzmaurice, chuyên gia phân tích hàng hóa tại Công ty dịch vụ tài chính ngân hàng đa quốc gia Rabobank bình luận. Chuyên gia này cho rằng: "Saudi Arabia đã nhanh nhạy nhận ra rằng để duy trì đà tăng giá gần đây và sở thích đầu cơ dầu mỏ giao kỳ hạn của các nhà giao dịch, họ cần phải thúc đẩy thị trường giá lên".

Thông qua kiểm soát sản lượng và nguồn cung, OPEC + đã giúp ngăn chặn tình trạng dư cung dầu mỏ kỷ lục trên thế giới do đại dịch thời gian qua đã chặn đứng các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, khiến nhu cầu dầu mỏ đóng băng nhiều tháng trước đó.

Những nỗ lực kiểm soát nguồn cung của OPEC+ đã kích giá dầu thô tăng hơn 30%, tính từ đầu năm đến nay. Còn theo dữ liệu tổng hợp của Bloomberg, khối lượng giao dịch dầu Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Quyết định ổn định nguồn cung của OPEC + cũng mang lại thắng lợi cho Saudi Arabia khi ủng hộ việc hạn chế khai thác để giữ giá dầu thô. Tuy vậy, giá dầu tăng lên có thể kích thích các đơn vị khai thác dầu đá phiến của Mỹ, với các giàn khoan dầu đang hoạt động đạt công suất cao nhất kể từ tháng 5/2020. Tuy vậy, "Saudi Arabia không lo lắng trước nguy cơ này", ông Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia nói với các phóng viên sau cuộc họp OPEC+.

Trong khi đó, ông Bill O’Grady, Phó chủ tịch điều hành Quỹ quản lý đầu tư Confluence Investment Management (Mỹ) lại cho rằng: "Mọi chuyện sẽ trở nên căng thẳng". Chuyên gia đầu tư này cảnh báo, nếu giá dầu tăng được duy trì càng lâu, thì khả năng Mỹ có phản ứng nguồn cung càng cao. "Tuy nhiên, phản ứng đó sẽ không ngay lập tức như trước đây", ông Bill O’Grady lưu ý.

Trước khi đạt đồng thuận giữ ổn định sản lượng, tại cuộc họp liên minh OPEC + đã tranh luận việc có nên khôi phục mức sản lượng 1,5 triệu thùng/ngày hay không. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 1/4 để cân nhắc mức sản lượng cho tháng 5.

Việc thắt chặt nguồn cung dầu mỏ có thể nhanh chóng tác động đến giá bán tại các trạm bơm. Đơn cử, lần đầu tiên trong 6 năm qua, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đang tiệm cận mốc 3 USD/gallon. Đà phục hồi của giá dầu thô cộng với nguồn cung sản phẩm tinh chế ở Mỹ giảm sâu do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão mùa đông, đã đẩy giá nhiên liệu tại Mỹ tăng cao. Do ảnh hưởng của thời tiết băng tuyết kỷ lục, phần lớn khu vực lọc dầu ở Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ bị tê liệt trong cuối tháng trước. Giá xăng kỳ hạn tại New York đã vượt mốc 2 USD/gallon trong ngày 4/3, trước thời điểm OPEC+ ra quyết định siết nguồn cung.

Trong khi đó, căng thẳng tại Trung Đông tiếp tục gia tăng sau khi phiến quân Houthi ở Yemen tuyên bố tấn công các mục tiêu của Saudi Arabia. Được Iran hậu thuẫn, phiến quân Houthi cho biết họ đã dùng máy bay không người lái ném bom vào một căn cứ không quân phía Tây Nam của Saudi Arabia và đánh phá một cơ sở dầu thô của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco ở thành phố Jeddah. Tập đoàn Aramco và các quan chức Saudi Arabia hiện chưa có bình luận chính thức về vấn đề này.

Tin liên quan
Tin khác