Một giếng dầu của Công ty năng lượng Signal Hill Petroleum tại bang California, Mỹ. Ảnh: AFP |
Cả dầu thô WTI của Mỹ và dầu Brent giao kỳ hạn đêm qua đều trượt xuống dưới 100 USD/thùng, giảm 30 USD so với mức giá thiết lập hơn một tuần trước.
Dầu WTI kết thúc ngày giao dịch 15/3 ở mức 96,44 USD/thùng, giảm 6,38%. Trong ngày, giá dầu WTI có thời điểm xuống thấp còn 93,53 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent giảm xuống còn 97,44 USD trước khi đóng cửa ở mức 99,91 USD/thùng, giảm 6,54%.
Trước đó, dầu WTI và Brent đã giảm lần lượt 5,78% và 5,12% trong ngày 14/3.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao tại Công ty môi giới giao dịch hối đoái Oanda cho rằng, "những lo ngại từ làn sóng đình lạm do chiến sự Ukraine - Nga và Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed) tăng lên trong tuần này, cùng với hy vọng rằng cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga sẽ đạt được tiến triển" đang đè nặng lên giá dầu.
Giá dầu thô đã chính thức vượt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 và sau đó tiếp tục leo thang theo chiến sự.
Đầu tuần trước, giá dầu WTI lập đỉnh khi chạm mức 130,50 USD/thùng, còn giá dầu Brent giao dịch ở mức cao hơn với 139,26 USD/thùng. Không chỉ xăng dầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu khác cũng tăng vọt khi các thương nhận lo ngại rằng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga bị gián đoạn vì chiến sự và các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Mỹ và Canada đã chính thức cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi Vương quốc Anh cho biết họ sẽ giảm dần nhập khẩu năng lượng từ Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các quốc gia khác ở châu Âu, vốn từ lâu phụ thuộc vào nguồn dầu khí từ Nga, đã không đưa ra các động thái cấm vận tương tự.
Bà Rebecca Babin, chuyên gia tư vấn giao dịch năng lượng cấp cao tại Quỹ quản lý tài sản tư nhân CIBC Private Wealth US nhận định, thị trường đã giao dịch hoàn toàn dựa trên nỗi sợ hãi bởi "chúng tôi không có nhiều thông tin rõ ràng về những gì thực sự sẽ xảy ra với nguồn cung dầu thô trong tương lai do chiến sự".
Đối diện với các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, Nga vẫn đang tìm kiếm các đối tác mua hàng khác, bao gồm cả người mua từ Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, chính quyền các địa phương đang căng sức đối phó với dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng với hàng nghìn mắc mới mỗi ngày, nhiều thành phố đã bị phong tỏa để hạn chế sự lây lan của dịch. Các chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh gia tăng tại Trung Quốc có nguy cơ kéo giảm nhu cầu của quốc gia nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới.
Về phía Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này lên tiếng cho rằng Mỹ cần phải đưa ra quyết định để hoàn tất một thỏa thuận nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới. Giới phân tích nhận định, nếu Iran đạt được thỏa thuận trên, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ được bổ sung thêm 1 triệu thùng/ngày.
Giá xăng dầu bán lẻ tại Mỹ đã đi xuống trong hai ngày qua. Giá xăng dầu trung bình tại các trạm bơm là 4,316 USD/gallon vào ngày 15/3, trượt nhẹ so với mức kỷ lục 4,331 USD/gallon thiết lập vào cuối tuần trước.