Coolmate - thương hiệu thời trang nam, vừa công bố đã huy động được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự dẫn dắt của Access Ventures cùng sự tham gia của các quỹ Do Ventures, CyberAgent Capital, và DSG Consumer Partners.
Ông Phạm Chí Nhu, CEO & Đồng sáng lập Coolmate cho biết, khoản đầu tư mới sẽ được sử dụng vào 3 mục đích chính, gồm nghiên cứu và mở rộng danh mục sản phẩm với những chất liệu mới nhằm nâng cao sự thoải mái khi sử dụng cho khách hàng; nâng cấp hệ thống vận hành để có thể đáp ứng khâu đóng gói và giao nhận ở quy mô lớn; nâng cao năng lực đội ngũ để đáp ứng tốc độ phát triển nhanh chóng của công ty.
Lý giải cho việc giải ngân khoản đầu tư này, ông Charles Rim, Giám đốc điều hành tại Access Ventures, cho biết: “Coolmate đang ở vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thời trang tại Việt Nam với sự đa dạng cũng như độc đáo trong chiến lược kinh doanh của họ. Sau khi đạt được một cột mốc mới trong việc gọi vốn, chúng tôi dự đoán Coolmate sẽ thực sự tăng tốc trong thời gian tới, đạt được những mục tiêu đề ra trong kinh doanh và củng cố vị thế của mình trong ngành thời trang tại Việt Nam.”
Thành lập vào đầu năm 2019, Coolmate đi theo mô hình thương mại điện tử D2C (cung cấp sản phẩm trực tiếp qua kênh trực tuyến), nhằm cắt giảm chi phí phân phối trong bán lẻ truyền thống. Sản phẩm Coolmate 100% sản xuất tại Việt Nam.
Sau ba năm hoạt động, từ một công ty với chỉ hơn 2.000 đơn mỗi tháng, đến nay Coolmate đã xử lý lên đến hơn 10.000 đơn mỗi ngày, trong đó hơn 50% lượng đơn hàng đến từ khách hàng cũ.
Với mức tăng trưởng doanh thu hơn ba lần mỗi năm, Coolmate đang trên đà đạt mốc doanh thu 19 triệu USD trong năm 2022.
Hướng đến đối tượng người dùng trẻ tuổi, sản phẩm của Coolmate được thiết kế tối giản với sự tập trung vào các chất liệu mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người mặc, sử dụng được ở nhiều hoàn cảnh, và thân thiện với môi trường.
Sản phẩm Coolmate tích hợp các công nghệ thời trang mới nhất như Excool (cực kỳ khô thoáng), Anti-Smell (ngăn mùi), CleanDye (nhuộm khô không dùng nước), HeiQ Viroblock (ngăn virus trên bề mặt vải)…
Là thương hiệu thời trang đến sau, Coolmate chú trọng tạo sự khác biệt thông qua tăng trải nghiệm và niềm tin của khách hàng. Công ty thực hiện chính sách đổi trả trong vòng 60 ngày với bất kỳ lý do gì. Khách hàng chỉ cần nhắn tin hoặc gọi điện cho Coolmate, bưu tá sẽ đến tận nơi để tiến hành đổi trả sản phẩm miễn phí. Các sản phẩm phải thu hồi lại sẽ được Coolmate phân loại theo mục đích khác nhau, các sản phẩm có thể tái sử dụng sẽ được quyên góp cho hoạt động từ thiện.
Ngoài ra, Coolmate còn phát triển một website thương mại điện tử độc lập cung cấp cho khách hàng các tính năng như chọn size thông minh, phân tích độ phù hợp của size, và các hình thức thanh toán đa dạng.
Theo báo cáo của Google, Temasek, Bain & Company, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 53% từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 13 tỷ USD năm 2021, và dự báo sẽ đạt 39 tỷ USD vào năm 2025.
Access Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào các công ty công nghệ giai đoạn đầu tại Đông Nam Á, với trọng tâm là Việt Nam và Indonesia. Danh mục đầu tư của quỹ bao gồm EcoTruck, Viet.co, Vexere, Palexy, Kata.ai, Perx Technologies, Sampingan, Skelter Labs…
Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có quy mô 50 triệu USD, đóng vai trò như một đối tác chiến lược cho các công ty startup. Danh mục đầu tư của Do Ventures bao gồm: F99, Palexy, Manabie, MFast, VUIHOC, Bizzi, Validus, ShopBase, và Selly.
CyberAgent Capital là một thành viên của tập đoàn CyberAgent, Inc có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản.
Tới nay, CyberAgent Capital đã đầu tư hỗ trợ gần 400 công ty trên toàn cầu, điển hình như Tokopedia (Indonesia), Kakao Talk (Hàn Quốc), Tiki, Foody (Việt Nam).
DSG Consumer Partners là công ty đầu tư có trụ sở tại Singapore, chuyên tìm kiếm, đầu tư, và phát triển các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng tại Ấn Độ và Đông Nam Á. DSGCP đã huy động được hơn 250 triệu USD với danh mục đầu tư gồm Chope, RedMart, Saturday, Kind Kones, và Saladstop.