Giới phân tích cho rằng "siêu vòng quay" trên thị trường dầu mỏ đang hoạt động mạnh và có khả năng đưa giá dầu vượt mức 125 USD/thùng. Ảnh: AFP |
Giá dầu thô Brent hôm 14/2 đã giảm 11 cent, tương đương 0,1%, xuống 94,33 USD/thùng vào lúc 09h10 (giờ GMT) sau khi chạm mốc 96,16 USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 do thị trường lo ngại Mỹ và châu Âu có thể kích hoạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra.
Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ nhích 1 cent lên 93,11 USD/thùng, áp sát đỉnh giá 94,94 USD/thùng thiết lập hồi tháng 9/2014.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích hàng hóa của Ngân hàng đầu tư UBS (Thụy Sĩ) cho biết: "Những người tham gia thị trường đang lo lắng xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm gián đoạn nguồn cung". Chuyên gia này đánh giá thị trường dầu mỏ đang rất nhạy cảm với bất kỳ tin tức nào về nguy cơ gián đoạn nguồn cung do tồn kho dầu đã xuống mức thấp và công suất dự phòng của các nhà dầu dự báo sẽ tiếp tục giảm.
Theo hãng tin Reuters, phía Mỹ hôm 13/2 cho rằng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và có thể tạo ra một cái cớ bất ngờ cho cuộc tấn công. Thông tin này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Ông Edward Moya, nhà phân tích từ Công ty môi giới tài chính OANDA cho rằng: "Nếu ... việc điều động quân diễn ra, dầu thô Brent sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào để vọt mức 100 USD/thùng". Chuyên gia này nhận định: "Giá dầu sẽ vẫn cực kỳ biến động và nhạy cảm trước các thông tin cập nhật liên quan đến tình hình Ukraine".
Căng thẳng Nga - Ukraine diễn ra trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) cam kết tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 3.
Các nhà phân tích của RBC Capital nhận định, trong khi căng thẳng địa chính trị góp phần làm tăng thêm quan điểm tăng giá, thì "siêu vòng quay" của thị trường dầu mỏ này về cơ bản vẫn được thúc đẩy. Thuật ngữ "siêu vòng quay" được hiểu là thị trường rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, khiến giá cả tăng cao kéo dài trong nhiều năm.
Nhà phân tích Mike Tran từ RBC Capital dự đoán: "Khả năng giá dầu sẽ tăng lên mức 115 USD/thùng hoặc cao hơn vào mùa hè này".
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng trống giữa sản lượng của OPEC+ và mục tiêu của liên minh này đã tăng lên 900.000 thùng/ngày vào tháng trước, còn JP Morgan ước tính khoảng trống này là 1,2 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích của JP Morgan cho biết: "Chúng tôi ghi nhận các dấu hiệu căng thẳng trong cả nhóm khi 7 thành viên của OPEC không đạt được chỉ tiêu tăng sản lượng trong tháng này, trong đó Iraq ghi nhận mức thiếu hụt nhiều nhất", JP Morgan lưu ý.
Ngân hàng JP Morgan dự báo, "siêu vòng quay" trên thị trường dầu mỏ đang hoạt động mạnh và giá dầu có khả năng vượt mốc 125 USD/thùng do mở rộng phần bù rủi ro công suất dự phòng.
Ngoài căng thẳng Nga - Ukraine, giới giao dịch dầu mỏ cũng đang theo sát các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Mới đây nhất, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran khẳng định các cuộc đàm phán với Mỹ vẫn chưa đi vào ngõ cụt, trong khi một quan chức an ninh cấp cao của Iran trước đó hé lộ rằng tiến trình đàm phán đang trở nên "khó khăn hơn".