Kho chứa dầu mỏ tại cảng Vasilikos, Cyprus. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Trung Quốc đại lục sáng nay biến động trái chiều trong những giờ đầu giao dịch, với chỉ số Shanghai Composite trượt 0,3% còn Shenzhen Composite diễn biến đi ngang. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 0,69%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,33% trong khi chỉ số Topix tăng cao hơn với 0,61%. Trên sàn chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi cũng lên điểm 0,48%. Trong khi đó, chứng khoán Australia vẫn nhuốm đỏ khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,36%. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dường (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,17%.
Những biến động của thị trường chứng khoán châu Á xảy ra sau khi giá dầu liên tục trồi sụt trong 2 phiên gần đây. Giá dầu hôm nay 3/4 đảo chiều đi xuống sau phiên tăng kỷ lục trước đó khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ can thiệp thỏa thuận giữa Saudi Arabia và Nga về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ, tuy nhiên ông Trump không đề cập việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ của Mỹ.
Trả lời kênh truyền hình CNBC hôm 2/4, Tổng thống Trump cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman, đồng thời hy vọng họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ khoảng 10-15 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent hôm 3/4 giao kỳ hạn giảm 3%, tương đương 9 US cent xuống còn 29,05 USD/thùng lúc 01:27 giờ GMT dù phiên trước đó tăng vọt 21%. Trong khi đó, dầu thô WTI giao kỳ hạn của Mỹ trượt sâu hơn 5,2%, tương đương 1,32 USD về 23,98 USD/thùng sau khi bật tăng 24,7% ở phiên trước đó.
Tín hiệu tích cực cho thị trường dầu mỏ phát đi từ Mỹ chưa thể cứu vãn cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí. Cổ phiếu tập đoàn Santos của Australia bật tăng 6,3% còn cổ phiếu Inpex của Nhật Bản lên điểm 3,69%. Trái lại, cổ phiếu PetroChina niêm yết tại Hong Kong sụt giảm 2,61%.
Nhà đầu tư tỏ ra lo ngại trước những tác động kinh tế kéo dài của đại dịch Covid-19. Thị trường lao động Mỹ hai tuần qua “đổ bệnh” do các biện pháp chống dịch Covid-19. Bộ Lao động Mỹ hôm 2/4 (giờ Mỹ) cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tại Mỹ đã tăng lên hơn 6 triệu trong tuần trước. Đây là con số kỷ lục sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp cách ly và ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh không cần thiết do dịch bệnh.
Đó mới chỉ là sự khởi đầu vì nhiều bang tại Mỹ đang áp dụng các lệnh “phong tỏa” và bảng lương phi nông nghiệp Mỹ (bức tranh khái quát thị trường lao động Mỹ) trong tháng 4 có thể ghi nhận lượng lớn lao động nữa thất nghiệp, Joseph Capurso, chuyên gia của Ngân hàng Commonwealth (Australia) nhận định.
Thêm thông tin đáng ngại cho thị trường chứng khoán là ngành dịch vụ Trung Quốc chưa thể hồi phục mạnh mẽ khi chỉ số PMI Caixin/Markit ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 3 chỉ đạt 43 điểm, khá khẩm hơn mức lao đáy 26,5 điểm trong tháng 2.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác hôm nay nhích từ mốc 100 thiết lập hôm qua lên 100,149. Đồng yên Nhật Bản trượt giá nhẹ và giao dịch ở mức 107,89 JPY/USD còn đô la Australia cũng suy yếu và trao tay ở mức 1 AUD/0,6058 USD.