Khép phiên 21/7, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,04 USD (2,4%) lên 44,32 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ WTI tăng 1,15 USD (2,8%) lên 41,96 USD/thùng.
Giá dầu đã được "tiếp sức" nhờ sự đồng thuận giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dai của khối về quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro (860 tỷ USD) nhằm hồi sinh các nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Thoả thuận này cho phép Uỷ ban châu Âu (EC) huy động hàng tỷ euro trên thị trường vốn thay mặt cho tất cả 27 nước thành viên, một hành động đoàn kết chưa từng có trong gần 70 năm qua của khối này.
Bên cạnh đó, thông tin về việc một số công ty công nghệ sinh học và sản xuất dược phẩm trên thế giới công bố những bước tiến khả quan trong cuộc chạy đua điều chế vắc-xin phòng COVID-19 hôm 20/7 cũng hỗ trợ cho thị trường năng lượng.
Ngoài ra, giá dầu cũng được đà đi lên bởi những kỳ vọng rằng các nghị sĩ Mỹ có thể sớm nhất trí về gói kích thích mới, trong bối cảnh gói viện trợ thất nghiệp mở rộng cho hàng triệu người dân Mỹ sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
Tuy vậy, đà tăng của giá dầu cũng đã bị hạn chế phần nào sau khi Viện Xăng dầu Mỹ (API) báo cáo dự trữ dầu thô nước này đã tăng khoảng 7,5 triệu thùng trong tuần trước, so với dự đoán giảm 2,1 triệu thùng.
Nhiều nước trong đó có Mỹ và Ấn Độ vẫn đang ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng kỷ lục, còn các nước khác như Tây Ban Nha và Australia đang phải đương đầu với đợt bùng phát dịch mới.