Nhà máy lọc dầu Los Angeles của Tập đoàn dầu khí Marathon (Mỹ). Ảnh: AFP |
Khả năng cao sẽ mở kho 100 triệu thùng
"Nó (việc giảm giá) sẽ không diễn ra đơn giản như vậy, bởi dự trữ dầu mỏ chiến lược của bất kỳ quốc gia nào cũng đều không nhằm mục đích thao túng giá", ông Stephen Schork, nhà sáng lập chuyên trang phân tích thị trường Schork Report (Mỹ) nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, mục tiêu thông thường đặt ra cho dự trữ dầu mỏ chiến lược là bù đắp cho thị trường khi nguồn cung gián đoạn đột xuất, hay trong ngắn hạn.
"Có một lượng đáng kể (nhà giao dịch - BTV) đặt cược rằng chúng ta sẽ chứng kiến giá dầu đạt mức 100 USD/thùng", ông Schork cho biết, đồng thời dự đoán điều này có thể xảy ra sớm nhất là vào quý I/2022, đặc biệt nếu mùa đông ở Bắc bán cầu năm nay lạnh giá hơn.
Trong năm 2021, giá dầu thế giới đã tăng hơn 50% do cầu vượt xa cung sau khi nhiều quốc gia nới lỏng giãn cách, chấm dứt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 và dần chuyển sang trạng thái sống chung với dịch. Nhu cầu đi lại quốc tế những tháng cuối năm đang tăng lên khi nhiều quốc gia mở lại biên giới, do đó nhu cầu nhiên liệu máy bay cũng tăng lên.
Giá dầu Brent chuẩn toàn cầu đã khoan thủng "ngưỡng tâm lý" 80 USD/thùng vào tháng 10/2021 và neo quanh mức này kể từ đó. Tính đến chiều nay 24/11, giá dầu Brent giao dịch tại châu Á đạt mức 82,50 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 23/11 tuyên bố rằng nước này sẽ giải phóng 50 triệu thùng từ kho dự trữ dầu mỏ, trong một nỗ lực cùng với các quốc gia tiêu thụ nhiều nhiên liệu "hạ nhiệt" sức nóng của giá nhiên liệu. Theo kế hoạch của Mỹ, 32 triệu thùng sẽ được đưa ra giao dịch trong vài tháng tới và 18 triệu thùng còn lại sẽ được tăng tốc bán ra dưới hình thức ủy quyền.
Ngoài Mỹ, các quốc gia tiêu thụ nhiều nhiên liệu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Vương quốc Anh, cũng đã đưa ra cam kết nhằm hạ nhiệt giá dầu. Đến nay, Vương quốc Anh đã chấp thuận xuất kho khoảng 1,5 triệu thùng, trong khi Ấn Độ cam kết mức mở kho cao gấp 3 lần lên 5 triệu thùng. Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc vẫn chưa công bố lượng dầu mở kho cụ thể.
"Chúng tôi đang quan tâm đến 50 triệu thùng mở kho của Mỹ và có khả năng sẽ có thêm 50 triệu thùng nữa từ các quốc gia khác. Tổng cộng sẽ có thêm khoảng 100 triệu thùng dầu, xấp xỉ lượng dầu thô tiêu thụ một ngày của thế giới", ông Schork cho biết.
Tuy nhiên, ông Vivek Dhar, nhà phân tích thị trường năng lượng tại Ngân hàng Commonwealth (Australia) lại tỏ ra thận trọng hơn trong các ước tính của mình. Chuyên gia này dự đoán rằng, lượng dầu mà 6 quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ cam kết mở kho có thể chỉ đạt mức 70 triệu thùng bởi việc giải phóng kho dự trữ dầu của các quốc gia có thể "khá khó".
Theo đánh giá của ông Vivek Dhar, việc giá dầu phục hồi vào ngày 23/11 cho thấy "thị trường đã bị choáng ngợp trước động thái mở kho dự trữ dầu chiến lược của các nước".
Còn theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, thì giá dầu tiếp tục tăng là điều rất có thể xảy ra. Cơ quan này ước tính, mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm 2021 ước đạt 97,53 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng từ mức 92,42 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Sang năm 2022, con số này sẽ tăng lên mức 100,88 triệu thùng/ngày.
Ông Schork cho rằng, sẽ tuyệt vọng nếu đặt niềm tin vào công cụ duy nhất hiện nay là mở kho dự trữ bởi công cụ này sẽ không phát huy nhiều hiệu quả. "Có khả năng chúng ta sẽ thấy giá dầu tăng cao hơn thay vì giảm xuống trong vòng một tháng nữa, tính từ lúc này", nhà sáng lập chuyên trang Schork Report dự đoán.
Do đó, Mỹ sẽ cần cân nhắc phương án triệu tập các nhà sản xuất dầu mỏ của mình và yêu cầu họ tăng sản lượng để bù đắp tình trạng mất cân bằng cung cầu như hiện nay.
Lo ngại phản tác dụng
Cam kết mở kho dự trữ chiến lược được các quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng đưa ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) thông báo vào đầu tháng 11 rằng liên minh này sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch sản lượng như cũ, tức là vẫn áp dụng mức tăng sản lượng khai thác 400.000 thùng/ngày; đồng thời không nới lỏng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường, bất chấp áp lực từ Mỹ nhằm "giảm nhiệt" thị trường dầu mỏ.
"Quyết định được đưa ra là tăng sản lượng 400.000 (thùng/ngày) mỗi tháng và tôi cần nhấn mạnh là mức tăng này là hàng tháng, cho đến cuối năm 2022. Quyết định này được tái khẳng định để duy trì các tham số đã được ấn định trước đó", Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói tại buổi họp báo hôm 4/11.
“Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ sẽ xem xét điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất của mình", các chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ) lưu ý trong báo cáo công bố cách đây 2 ngày, trước khi Tổng thống Biden tuyên bố mở kho dầu mỏ chiến lược.
Eurasia Group cảnh báo, việc các quốc gia tiêu thụ nhiều nhiên liệu quyết định xả kho một lượng lớn dầu mỏ dự trữ trước cuộc họp chính sách sản lượng sắp tới của OPEC+ có thể khiến liên minh năng lượng này có động thái đáp trả và gây ra "tình trạng bế tắc".
"Trong tình hình đó, các động thái đối kháng của mỗi bên có thể làm gia tăng bất ổn thị trường, khiến giá dầu thêm bấp bênh và bất ổn", phía Eurasia Group lưu ý.
Các nhà phân tích của Eurasia Group cũng cho rằng, việc mở kho dự trữ sẽ không làm giảm áp lực giá tiêu dùng cũng như không mang lại sự ổn định cần thiết để các nhà sản xuất đảm bảo nguồn cung ổn định và tin cậy cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang vật lộn với đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua.