Cả ExxonMobil và Chevron đều từ chối cam kết giảm sản lượng dầu mỏ. Ảnh: AFP |
Trong quý III/2021, ExxonMobil, công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, đã nhanh chóng chuyển lỗ thành lãi, với mức lãi ròng 6,8 tỷ USD từ sau khoản lỗ 680 triệu USD một năm trước. Doanh thu của ExxonMobil trong quý III đã tăng 60% so với cùng kỳ năm trước lên 73,8 tỷ USD, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Trong khi đó, Chevron, công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Mỹ, ghi nhận lợi nhuận điều chỉnh trong quý III là 5,7 tỷ USD, không bao gồm các hạng mục đặc biệt. Đây là kết quả kinh doanh quý tốt nhất trong 8 năm qua của Chevron. Ngoài ra, dòng tiền 6,7 tỷ USD mà Chevron tạo ra trong quý cũng là kỷ lục đối với tập đoàn này.
Lợi nhuận điều chỉnh của Chevron không những cao hơn 34% so với dự đoán mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của Refinitiv, mà nó còn cao gấp 17 lần so với con số 340 triệu USD mà tập đoàn này ghi nhận một năm trước.
Cổ phiếu của ExxonMobil và Chevron tuần qua đều nhích nhẹ sau những kết quả kinh doanh nổi bật trong quý III. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Exxon tăng dựng đứng 56%, tính đến cuối ngày giao dịch 28/10, trong khi cổ phiếu Chevron lên giá 33%.
Tuy kết quả tài chính khả quan, ExxonMobil, Chevron và nhiều doanh nghiệp dầu mỏ khác đang bị truy vấn với cáo buộc gây ra biến đổi khí hậu. Hai giám đốc điều hành ExxonMobil và Chevron đều bị chỉ trích gay gắt về vấn đề này trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ vào tuần trước.
Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Ro Khanna kêu gọi Giám đốc điều hành của ExxonMobil và Chevron cần cắt giảm sản lượng để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu giống như doanh nghiệp châu Âu đã và đang làm.
"Ông có thấy xấu hổ với tư cách là một công ty Mỹ rằng hoạt động sản xuất của phía ông đang làm gia tăng (vấn đề biến đổi khí hậu) trong khi các doanh nghiệp châu Âu lại đi ngược lại không?", hạ nghị sĩ Khanna truy vấn ông Michael Wirth, Giám đốc điều hành Chevron.
Giám đốc điều hành Chevron đã phản hồi bằng việc chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng đang tăng lên ở khắp nơi trên thế giới, cho nên tập đoàn này đã từ chối cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
"Với tất cả sự tôn trọng, tôi rất tự hào về công ty của chúng tôi và những gì chúng tôi làm", đại diện Chevron nói.
Tương tự, CEO Darren Woods của Exxon cũng từ chối cam kết giảm sản lượng dầu mỏ. Tuy nhiên, "chúng tôi cam kết sẽ cắt giảm phát thải", ông Woods cho biết.
Ở thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát, giá dầu thế giới đã bị đè bẹp trong những tháng đầu năm 2020 khi các quốc gia đã thiết lập phong tỏa và hạn chế đi lại, khiến các hoạt động kinh tế bị tê liệt.
Giá dầu sau đó dần tăng trở lại khi các nước triển khai tiêm phòng vaccine kháng Covid-19 trên diện rộng và dần nới lỏng phong tỏa và giãn cách xã hội, giá dầu gần đây đã vượt mốc 80 USD/thùng. Lần đầu tiên trong 7 năm qua, giá dầu thô giao kỳ hạn thế giới đã đạt mốc 85 USD/thùng vào tuần trước và sau đó trượt nhẹ quanh mốc này.